Hội nghị đối thoại và tập huấn nghiệp vụ pháp chế khu vực phía Nam năm 2018

29/09/2018
Hội nghị đối thoại và tập huấn nghiệp vụ pháp chế khu vực phía Nam năm 2018
Trong 02 ngày 27 - 28/9, tại Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Tư pháp phối hợp với với Viện Konrad - Adenauer - Stiftung (Viện KAS), Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại và tập huấn nghiệp vụ pháp chế khu vực phía Nam năm 2018. Ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và ông Peter Girke, Trưởng đại diện Viện KAS, Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có hơn 20 đại biểu là Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh khu vực phía Nam; người làm công tác xây dựng pháp luật tại các Sở Tư pháp; đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại Hội nghị các đại biểu tập trung trao đổi, đối thoại về công tác pháp chế, công tác xây dựng pháp luật và tập huấn về nghiệp vụ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, ông Hồ Văn Hùng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, công tác pháp chế của địa phương rất được lãnh đạo địa phương quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay, việc kiện toàn Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, địa phương không thành lập được Phòng Pháp chế nào trong cơ cấu tô chức của các Sở. Trong khi đó, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người làm công tác pháp chế theo quy định của Nghị định số 55 năm 2011 của địa phương đạt kết quả chưa cao; lãnh đạo một số Sở, ngành còn chưa thực sự quan tâm đến vị trí, vai trò của công tác pháp chế trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nên chất lượng văn bản tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh còn nhiều hạn chế…

Chia sẻ về thực trạng công tác pháp chế ở tỉnh An Giang, ông Cao Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, tính đến nay, ở An Giang chỉ có 01 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thành lập Phòng Pháp chế (giảm 02 Phòng so với năm 2017), có 13 cơ quan chuyên môn lồng ghép công tác pháp chế với Văn phòng hoặc Thanh tra Sở. Ông Sơn cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc của công tác pháp chế hiện nay, đó là: tổ chức pháp chế không ổn định; tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế chưa đảm bảo; chưa có chế độ phụ cấp cho người làm công tác pháp chế. Trên cơ sở đó, ông Sơn đưa ra nhiều giải pháp để tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác pháp chế trong thời gian tới theo hướng đề xuất để quy định mỗi cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh nên bố trí một công chức làm công tác pháp chế thay vì Phòng Pháp chế chuyên trách như hiện nay; kiến nghị để quy định công chức pháp chế thuộc Văn phòng hoặc Thanh tra Sở; có chế độ, chính sách cho người làm công tác pháp chế nhằm khẳng định vị trí, vai trò và thu hút được những người làm công tác này.

Cũng tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã phản ánh về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015: về cách hiểu khác nhau về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật; về việc phân cấp thẩm quyền ban hành văn bản QPPL cho chính quyền địa phương; về việc cấm địa phương ban hành thủ tục hành chính trừ trường hợp được Luật giao theo quy định của khoản 4 Điều 14 Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015; phản ánh về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL; vấn đề Bộ Tư pháp yêu cầu địa phương báo cáo hàng năm…
 Chiều ngày 27/9, Hội nghị được nghe Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm về kỹ năng trong công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Theo chương trình làm việc, sáng ngày 28/9, các đại biểu tiếp tục trao đổi, thảo luận và đối thoại về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng pháp luật và công tác pháp chế./.
Vụ VĐCXDPL