Tài sản ảo, tiền ảo: Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề pháp lý đặt ra cho Việt Nam

16/09/2018
Tài sản ảo, tiền ảo: Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề pháp lý đặt ra cho Việt Nam
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, hoàn thiện Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện. Để có thêm thông tin đầy đủ, mang tính khoa học về các vấn đề pháp lý và các vấn đề khác có liên quan nhằm hoàn thiện Báo cáo này, ngày 16/9, Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Tài sản ảo, tiền ảo: Kinh nghiệm quốc tế và một số vấn đề pháp lý đặt ra”.
Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cùng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Tài sản ảo, tiền ảo nói chung hay tài sản mã hóa, tiền mã hóa nói riêng là vấn đề mới và rất phức tạp đối với các nước nói chung và đối với Việt Nam nói riêng; là vấn đề hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận; các chuyên gia công nghệ, kinh tế, tài chính, pháp lý; các chính phủ và tổ chức quốc tế với nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau. Cũng như phần lớn các nước khác, khung pháp luật của Việt Nam về quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo còn rất sơ khai. Nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa cần được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hướng hoàn thiện.

Với mục tiêu nghiên cứu để đề xuất xây dựng khung pháp lý quản lý, xử lý các hoạt động có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo cũng như tài sản mã hóa, tiền mã hóa, Hội thảo lần này là diễn đàn khoa học để các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn cùng trao đổi, thảo luận kinh nghiệm quốc tế về tài sản ảo, tiền ảo, đặc biệt là dưới góc độ pháp lý. Hội thảo không phải là sự kiện quảng bá, truyền thông hay vì các mục đích khác có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

Kết quả của Hội thảo sẽ được Bộ Tư pháp tổng hợp, nghiên cứu, tham khảo để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2018.

 Thông tin liên quan khác:
1.Xây dựng nền tảng pháp luật cho tài sản ảo, tiền ảo
2. Kinh nghiệm pháp lý quốc tế trong quản lý và điều chỉnh tiền ảo và tải sản ảo