Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long: Vĩnh Phúc cần tăng cường thanh, kiểm tra các nghề tư pháp

08/08/2018
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long: Vĩnh Phúc cần tăng cường thanh, kiểm tra các nghề tư pháp
Đó là yêu cầu của Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long tại buổi làm việc với Sở Tư pháp Vĩnh Phúc sáng ngày 8/8. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ. Về phía địa phương có Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Bắc cùng các lãnh đạo Sở, phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, Phòng tư pháp cấp huyện.

Phát biểu tại buổi làm việc với Sở Tư pháp Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Lê Thành Long đã ghi nhận những nỗ lực của Sở trong thời gian qua. Tư pháp Vĩnh Phúc có thuận lợi là được “sống” trong môi trường phát triển kinh tế xã hội rất sôi động của tỉnh, có nhiều điều kiện tốt và thực tế đã xuất hiện nhiều điểm sáng. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng chỉ rõ ngành Tư pháp Vĩnh Phúc vẫn còn những hạn chế nhất định trong một số lĩnh vực, một phần do quy định của pháp luật. phần khác do vấn đề đạo đức hành nghề. Vĩnh Phúc hiện cũng có bất cập trong công tác cán bộ cần phải giải quyết.
Chỉ rõ những thách thức của Bộ, ngành trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu Sở Tư pháp cần chủ động tham mưu có trách nhiệm hơn trong các công việc của tỉnh. Trong các Luật, đặc biệt chú ý triển khai tốt Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước để tránh kiện cáo, bồi thường. Đồng thời tăng cường công tác thanh kiểm tra, đặc biệt đối với các nghề tư pháp hiện tiềm ẩn rất nhiều vấn đề phức tạp.
Báo cáo kết quả công tác tư pháp từ năm 2016 đến nay, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc Hà Thái Nguyên cho biết, trên cơ sở bám sát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 -2020 và chương trình hành động công tác tư pháp hàng năm của tỉnh, Ngành Tư pháp tiếp tục phát huy vai trò tham mưu triển khai kịp thời các nhiệm vụ theo kế hoạch. Nhìn chung công tác tư pháp đã hoàn thành tốt kế hoạch đã đề ra trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, công tác xây dựng và kiểm tra văn bản QPPL được nâng lên về chất và lượng; công tác quản lý xử lý VPHC và theo dõi THPL được duy trì thường xuyên; công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý tiếp tục được củng cố, tăng cường với nhiều đổi mới; công tác đăng ký quản lý hộ tịch đi vào nề nếp, kịp thời giải quyết yêu cầu của người dân và ngày càng được hiện đại hóa; công tác bổ trợ tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh, chủ trương xã hội hóa đạt những kết quả nhất định đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện đạt kết quả cao, việc tư vấn giải quyết đối với các vụ việc phức tạp được thực hiện kịp thời, có chất lượng góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh.
 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở Tư pháp cũng chỉ rõ những hạn chế như công tác tham mưu chỉ đạo có lúc, có việc hiệu quả chưa cao, chưa bảo đảm tiến độ; công tác phối hợp trong PBGDPL ở một số đơn vị chưa chặt chẽ, công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tình trạng chậm muộn trong cấp Phiếu Lý lịch tư pháp…Nguyên nhân được Sở Tư pháp chỉ ra chủ yếu do thể chế pháp luật về một số lĩnh vực thuộc ngành quản lý chưa đầy đủ, chậm hoàn thiện; nhiệm vụ công tác tư pháp ngày càng nhiều, mức độ phức tạp gia tăng trong khi nguồn lực còn thiếu.
Sở Tư pháp đề nghị với Bộ Tư pháp một số vấn đề cụ thể như tăng cường tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật; Bộ Tư pháp hàng năm sớm ban hành Kế hoạch công tác theo dõi THPL, trong đó xác định lĩnh vực trọng tâm để địa phương chủ động triển khai thực hiện; thiết lập đồng bộ hệ thống cung cấp, trao đổi thông tin và cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP giữa cá cơ quan liên quan. Bộ cần có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo nghiêm túc công tác pháp chế ngành.
Làm rõ hơn những khó khăn vướng mắc trong công tác tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp Vĩnh Tường phản ánh Phòng Tư pháp hiện nay chỉ có 2 công chức, ở cấp xã cán bộ tư pháp hộ tịch được luân chuyển, điều động liên tục qua mỗi kỳ đại hội tạo ra sự thiếu hụt lớn. Cũng xuất phát từ tình trạng lúng túng trong luân chuyển cán bộ tư pháp, hộ tịch cấp xã, đại diện Phòng Tư pháp huyện Bình Xuyên đề nghị Bộ Tư pháp nên có hướng dẫn về vấn đề này. Còn Trưởng phòng xây dựng và kiểm tra VBQPPL, Sở Tư pháp cho rằng, một số quy định của Luật ban hành VBQPPL gây khó khăn cho các Sở ngành, do đó cần sửa luật theo hướng cụ thể hơn thời gian và hồ sơ trình văn bản; bên cạnh đó là tình trạng thiếu cán bộ làm công tác văn bản ở Sở Tư pháp và pháp chế ở các Sở, ngành. Giám đốc Trung tâm đấu giá tài sản cho biết thêm, hiện tỉnh có hơn 20 tổ chức bán đấu giá, cạnh tranh phức tạp, nhiều vụ bán đấu giá trên chục lần mới bán được, kéo dài qua nhiều năm…và đề nghị Bộ quan tâm, tháo gỡ.
Sau khi nghe các phản ánh từ địa phương, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã giải đáp các vấn đề về pháp lý trong giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư với vai trò tham gia từ đầu của Sở Tư pháp; các vấn đề về hộ tịch liên quan thiết thực đến đời sống của người dân; về kiện toàn, củng cố, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp, pháp chế Sở ngành…
Cũng trong sáng 8/8 Bộ trưởng và Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh.
 
Thu Hằng