Tạo chuyển biến mới, động lực mới trong công tác giám định tư pháp

07/07/2018
Tạo chuyển biến mới, động lực mới trong công tác giám định tư pháp
Sáng 6/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250) theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Thiếu tướng Phạm Văn Các – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) và đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Giới thiệu một số nội dung cơ bản của Đề án 250, bên cạnh mục tiêu ban hành Đề án, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến tập trung nêu 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Đề án. Cụ thể, nhóm thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện chế định giám định tư pháp (GĐTP); thứ 2 là tiếp tục hoàn thiện tổ chức GĐTP, nâng cao chất lượng người GĐTP, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định; thứ 3 là tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GĐTP.
Riêng về nâng cao chất lượng GĐTP, theo bà Đỗ Hoàng Yến, Đề án giao các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ giám định cho đội ngũ người GĐTP và người tiến hành tố tụng; giao Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ,  ngành nghiên cứu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Đề án đẩy mạnh xã hội hóa GĐTP trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng và các lĩnh vực khác theo quy định của Luật GĐTP, bảo đảm điều kiện để thực hiện xã hội hóa được các lĩnh vực này. Ngoài ra, bà Đỗ Hoàng Yến cũng trình bày một số nội dung của Quy chế phối hợp liên ngành số 992/QCPH-BTP-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC trong công tác GĐTP.
Nhằm triển khai có hiệu quả Đề án 250, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phản ánh thực tế hiện nay và đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến chia sẻ hàng loạt giải pháp mà Bộ sẽ tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2023. Đáng chú ý, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết Bộ Y tế nhận được phản ánh của một số tỉnh đang có chủ trương sáp nhập Trung tâm pháp y tỉnh vào Bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc sáp nhập Trung tâm pháp y với Trung tâm giám định y khoa tỉnh.
“Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của Trung tâm pháp y tỉnh đã được quy định tại Luật GĐTP và các văn bản pháp luật có liên quan, Bộ Y tế báo cáo và đề nghị đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP có ý kiến chỉ đạo duy trì hệ thống tổ chức giám định pháp y được ổn định và phát triển theo mô hình đã được quy định tại Luật GĐTP nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng” – Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến quả quyết.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của công tác GĐTP đối với công tác điều tra và xử lý tội phạm trong tình hình mới, nhất là giải quyết các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng, Thiếu tướng Phạm Văn Các đã thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, tồn tại của công tác này.
Từ đó, Thiếu tướng Các cho rằng cần phổ biến, quán triệt nội dung của Đề án 250 đến cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương để có nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ được giao. Đồng thời yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc kinh tế tham nhũng nếu gặp vướng mắc trong công tác giám định phải báo cáo Bộ Công an để kịp thời giải quyết.
Lắng nghe các ý kiến đầy tâm huyết, trong lời kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, công tác GĐTP là một lĩnh vực khó, phức tạp, nếu không nâng cao nhận thức và thực sự quan tâm thì khó đạt hiệu quả cao trong công tác này. Khẳng định tính quyết định của công tác giám định trong pháp luật hình sự, dân sự, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng tin tưởng việc triển khai Đề án 250 sẽ tạo chuyển biến, động lực mới trong công tác này, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách tư pháp, phòng chống tội phạm.
Theo Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, việc thực hiện nhiệm vụ Đề án đúng tiến độ là yêu cầu bắt buộc, là trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ được giao, trong đó tiếp tục quán triệt những nội dung cơ bản của Đề án, có giải pháp thiết thực để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, của đội ngũ cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác GĐTP.
Đặc biệt, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo thực hiện yêu cầu giám định nhằm chấm dứt tình trạng né tránh, đùn đẩy gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, nhất là đối với một số vụ án kinh tế, tham nhũng lớn mà dư luận quan tâm.