Tạo chuyển biến mạnh trong công tác tổ chức thi hành pháp luật

15/01/2018
Tạo chuyển biến mạnh trong công tác tổ chức thi hành pháp luật
Sáng 15/1, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã đồng chủ trì Hội nghị triển khai công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (XLVPHC&TDTHPL), kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2018.
Báo cáo kết quả công tác năm 2017 của 3 đơn vị, Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC&TDTHPL Đặng Thanh Sơn cho biết, Cục Quản lý XLVPHC&TDTHPL đã thực hiện nghiêm, bảo đảm chất lượng các nhiệm vụ được giao như chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan xây dựng 7 văn bản; tham mưu, trình Bộ trưởng ký ban hành 14 báo cáo về công tác XLVPHC&TDTHPL gửi Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan liên quan; chủ trì tổ chức 18 đợt kiểm tra tại 8 bộ, 10 địa phương; tổ chức 12 hội nghị tập huấn về XLVPHC&TDTHPL, giao lưu trực tuyến trên Báo Pháp luật Việt Nam…
Bên cạnh đó, Cục đã kịp thời nghiên cứu, phản ứng chính sách đối với những vấn đề phát sinh trong thực tế THPL, tham mưu Thủ tướng, Bộ trưởng xem xét quyết định các vấn đề nóng kịp thời, hiệu quả. Đáng chú ý là vụ việc cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không mang theo bản chính đăng ký xe do thế chấp ngân hàng; vụ việc về khách hàng thuê bao sim di động phải chụp ảnh; vụ việc về thực hiện quy định không đăng kiểm xe ô tô chưa nộp phạt “nguội”…
Công tác kiểm tra VBQPPL có nhiều chuyển biến tích cực với số lượng văn bản được kiểm tra theo thẩm quyền tăng gấp đôi và số lượng văn bản phát hiện trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền tăng 20,5% so với năm 2016. Cục đã tập trung kiểm tra các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân doanh nghiệp và thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc xử lý những văn bản trái pháp luật đã được kết luận hoặc phát hiện. Cục cũng tham mưu, giúp Bộ trưởng thẩm định, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thông qua pháp điển chủ đề Đất đai và 35 đề mục, đang trình Chính phủ xem xét, thông qua thêm 31 đề mục – đạt hơn 300% so với lộ trình đề ra…

Trong công tác PBGDPL, Vụ PBGDPL đã tích cực tham mưu, giúp Lãnh đạo Bộ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về PBGDPL, tiếp cận pháp luật, hương ước, quy ước, bảo đảm chất lượng, kịp tiến độ với 13 văn bản, đề án được xây dựng. Nhiều giải pháp đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL gắn với ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai với điểm nhấn là tham mưu tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến cho học sinh THPT tại 17 tỉnh, thành, phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam đối thoại chính sách pháp luật…
Tuy nhiên, ông Sơn cũng điểm lại một số tồn tại, hạn chế trong công tác của 3 đơn vị như hiệu quả triển khai công tác TDTHPL ở một số bộ, ngành, cơ quan, địa phương chưa cao, chưa thực sự nổi bật; việc kiểm tra VBQPPL do chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành đôi khi chưa được kịp thời; một số nhiệm vụ triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật còn chậm tiến độ… Vì vậy, năm 2018, ông Sơn xác định sẽ tăng cường các hoạt động quản lý công tác THPL về XLVPHC; tập trung theo dõi tình hình THPL về điều kiện đầu tư, kinh doanh với trọng tâm, liên ngành là lĩnh vực giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn…
 
Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Đồng Ngọc Ba cho biết trong thời gian tới chú trọng nâng cao trình độ cán bộ, công chức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; gắn nhiệm vụ kiểm tra văn bản với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, với nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp; quyết tâm đưa Bộ pháp điển vào sử dụng trên cơ sở các giải pháp như đẩy mạnh kỷ cương, kỷ luật lao động, nhất là lãnh đạo phải nêu gương. Vụ trưởng Vụ PBGDPL Đỗ Xuân Lân mong muốn tiếp tục nhận được phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ, đồng thời trong năm việc triển khai Ngày Pháp luật trước hết phải thấm sâu trong đội ngũ cán bộ của Bộ.
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đều đánh giá cao những thành tích mà cả ba đơn vị đã đạt được trong năm 2017. Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của công chức, viên chức, người lao động cả ba đơn vị trong năm qua, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh: các đơn vị đã triển khai đồng bộ các mặt công tác, bám sát kế hoạch đề ra, có trọng tâm, trọng điểm và tạo được điểm nhấn trong từng lĩnh vực phụ trách. Bên cạnh đó, Thứ trưởng chỉ rõ hoạt động của cả ba đơn vị đều liên quan tới tổ chức thi hành pháp luật – lĩnh vực trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Thứ trưởng đề nghị cần tăng cường phối hợp, tăng khả năng kết nối giữa các hoạt động chuyên môn của ba đơn vị, tạo chuyển biến mạnh trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, lựa chọn các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực thực hiện.

Đồng tình với những ý kiến của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc băn khoăn vì thế chế trong ba lĩnh vực này còn chậm được đổi mới, sự phối hợp giữa ba đơn vị với nhau và với các đơn vị khác chưa có sự cộng hưởng. Thứ trưởng lưu ý ba đơn vị khi phản ứng chính sách phải nhìn được mục tiêu chính sách, tránh pháp lý đơn thuần; tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ say mê sáng tạo, cống hiến….