Tạo cơ chế chính sách cho thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn

08/11/2017
Ngày 06/11/2017, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ lớn của đất nước; là địa phương có thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn lớn nhất cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố luôn ở mức cao so với trung bình cả nước, khẳng định vị thế đầu tàu, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Để thành phố Hồ Chí Minh phát triển, trong thời gian qua Đảng, Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết, cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trước bối cảnh thách thức của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, của quá trình hội nhập cạnh tranh quốc tế, các lợi thế dần bị thu hẹp, các thách thức về giao thông; ngập nước; ô nhiễm môi trường; sự không bền vững về chất lượng nguồn nhân lực,..., đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Thành phố; vì vậy, việc ban hành cơ chế, chính sách thí điểm khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết để thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng hơn nữa là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước như Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 đã đặt ra. Xuất phát từ những vấn đề nên trên, Bộ Tư pháp cho rằng việc nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP. Hồ chí Minh là cần thiết.
Theo báo cáo của Đại diện Lãnh đạo Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo, dự thảo Nghị quyết gồm 08 Điều, bao gồm các nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh. Những nội dung này đã được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sơ kết đánh giá từ thực tiễn phát triển của Thành phố sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.
Đa số các ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với sự cần thiết ban hành dự thảo Quyết định, tính hợp hiến, thống nhất, phù hợp với các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các thành viên cho rằng, việc thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thành phố Hồ CHí Minh có thể khác với quy định của các luật hiện hành nhưng phải đảm bảo không trái Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Qua rà soát, các quy định của dự thảo Nghị quyết là phù hợp Hiến pháp 2013, vào đảm bảo sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, một vấn đề đáng lưu ý là trong lĩnh vực về thuế, đề nghi cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải rà soát để đảm bảo các quy định của Nghị quyết không làm cản trở việc thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bộ Tư pháp nhận thấy, nội dung dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển áp dụng cho TP. Hồ Chí Minh, tuy có nội dung khác hoặc vượt với quy định của nhiều luật hiện hành, nhưng về cơ bản là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng đã được xác định tại Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, cũng như nội dung Kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị.
Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện và bổ sung vào Tờ trình nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét báo cáo xin Quốc hội việc xây dựng dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; đồng thời, đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ (tại Kỳ họp thứ 4).