Tăng cường tiếp cận công lý cho người nghèo và nhóm yếu thế

15/09/2017
Tăng cường tiếp cận công lý cho người nghèo và nhóm yếu thế
Sáng 15/9, Diễn đàn pháp luật với chủ đề “Tăng cường tiếp cận công lý cho người nghèo và nhóm yếu thế” do Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Ông Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Ban điều hành Nhóm quan hệ đối tác pháp luật; bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; ông Michael Greene, Giám đốc quốc gia, USAID cùng chủ trì Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định: trong những năm qua, thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật nhằm tăng cường tiếp cận công lý, tiếp cận pháp luật cho người dân, đặc biệt là những người nghèo và nhóm yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, các cơ quan Việt Nam cũng nhận thấy còn rất nhiều việc phải làm để thực hiện tốt hơn những nội dung công việc nêu trên.
Diễn đàn lần này là cơ hội để các bên cùng trao đổi, chia sẻ, cập nhật các thông tin về hoàn thiện và thực hiện pháp luật về tiếp cận công lý đối với người nghèo và nhóm yếu thế thông qua trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở cũng như vấn đề bảo đảm công lý đối với nạn nhân bị bạo lực về khía cạnh giới – những nội dung luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các cơ quan nhà nước và người dân.

Thứ trưởng mong muốn Diễn đàn lần này sẽ cung cấp những thông tin có giá trị để Việt Nam tiếp tục các nỗ lực, sáng kiến, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền cho người nghèo và nhóm yếu thế trong xã hội. Kết quả diễn đàn cũng sẽ giúp cộng đồng quốc tế hiểu thêm những thách thức, khó khăn, nỗ lực của Việt Nam, từ đó góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác nước ngoài trong việc phát triển hệ thống pháp luật và tư pháp.

Đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm quyền con người quyền công dân, ông Michael Greene, Giám đốc quốc gia, USAID hy vọng những quy định pháp luật sẽ được thực hiện trên thực tế để người dân được tiếp cận với công bằng, công lý. Ông cũng cho rằng Luật hòa giải cơ sở có ý nghĩa quan trọng, cung cấp cho người dân một phương pháp giải quyết tranh chấp tại cộng đồng một cách hiệu quả và  thân thiện.
Giới thiệu với Diễn đàn một số điểm mới của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, TS. Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL), Bộ Tư pháp cho biết Luật đã khẳng định rõ nét hơn trách nhiệm của Nhà nước về TGPL, mở rộng diện người được TGPL, tập trung thực hiện vụ việc TGPL, tạo thuận lợi hơn cho người được TGPL, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với hoạt động TGPL…

Trong khi đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị về công tác hòa giải ở cơ sở của Việt Nam, TS. Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng cần nghiên cứu, nhận diện đầy đủ về các mâu thuẫn, tranh chấp,  xung đột tại địa bàn cơ sở; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để gắn kết hòa giải ở cơ sở với hoạt động tố tụng; quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội trong việc ưu tiên sử dụng hòa giải ở cơ sỏ như là biện pháp hữu hiệu trong việc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột, vi phạm pháp luật tại cộng đồng…

Với tham luận về “Đảm bảo công lý đối với nạn nhân bị bạo lực về khía cạnh giới”, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền đã giới thiệu những quy định của pháp luật Việt Nam và thực tiễn thi hành, áp dụng pháp luật trong lĩnh vực này tại Tòa án. Phó Chánh án nhấn mạnh: mặc dù có nhiều nỗ lực và thành công nhất định nhưng bạo lực về khía cạnh giới ở Việt Nam vẫn còn phổ biến và rất cần quan tâm điều chỉnh trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn đánh giá cao nội dung các tham luận, đồng thời bày tỏ quan tâm tới một số nội dung cụ thể như: vấn đề ngân sách nhà nước giành cho hoạt động trợ giúp pháp lý giai đoạn tiếp theo; tăng cường tập huấn kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên ở cơ sở; vai trò của phụ nữa trong hệ thống tư pháp và bảo đảm công lý trong các vấn đề bạo lực về khía cạnh giới…