Kỳ vọng vững chắc về sự phát triển công tác tư pháp Bình Phước

31/08/2017
Kỳ vọng vững chắc về sự phát triển công tác tư pháp Bình Phước
Ngày 31/8/2017, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Lê Thành Long làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước. Tham dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành chức năng của tỉnh Bình Phước. Buổi làm việc tập trung đánh giá, phân tích các vấn đề trong lĩnh vực Tư pháp, đồng thời chỉ ra những vướng mắc, khó khăn và bàn phương hướng, giải pháp khắc phục.
Điểm mặt những khó khăn để tìm cách tháo gỡ
Mở đầu buổi làm việc, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước đã có báo cáo tóm tắt các hoạt động trong thời gian 7 tháng đầu năm 2017. Trong đó nêu bật những công việc, kết quả đạt được trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Phước.
Bình Phước có gần 300km đường biên tiếp giáp với Campuchia nên tình hình rất phức tạp, nhiều vấn đề có thể phát sinh trong quá trình người dân di cư tự do giữa hai nước. Vấn đề dân di cư có nhiều biến động, đa phần người di cư từ Campuchia sang đều thuộc diện“3 không”: Không quốc tịch, không biết chữ, không nghề nghiệp...
Bên cạnh đó, việc thực hiện các chương trình phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải cơ sở; trợ giúp pháp lý (TGPL); quản lý hộ tịch, quốc tịch; lý lịch tư pháp (LLTP)... còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, ngân sách; việc triển khai chưa đồng bộ, phối hợp với các cơ quan chức năng khác chưa chặt chẽ, chưa thực sự hiệu quả...
Đại diện các Cục, Vụ chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp cũng đóng góp ý kiến về tình hình triển khai công tác tư pháp tại Bình Phước. Về vấn đề hộ tịch, trong năm vừa qua, Bình Phước đã triển khai nhiều vấn đề liên quan đến Luật Hộ tịch, để làm tốt hơn vấn đề này cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) Bộ Tư pháp đã và đang triển khai, nhưng quan trọng địa phương cũng phải chủ động. Bên cạnh đó, vấn đề quốc tịch cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có công tác cấp giấy tờ xác định quốc tịch cho người dân di cư. Phía tỉnh Bình Phước cũng cần có Ban chỉ đạo riêng, quan tâm, bố trí kinh phí để xử lý vấn đề này.
Về vấn đề PBGDPL, hòa giải cơ sở, giai đoạn 2017-2021 cần quan tâm, gắn PBGDPL trong công tác của đảng, chính quyền; việc thực hiện tuyên truyền cần phối hợp giữa các đơn vị để tránh trùng lặp, có trọng tâm trọng điểm để triển khai phù hợp với đặc thù của địa phương. Kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai.
Trong lĩnh vực tiếp công dân, trợ giúp pháp lý, an sinh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đề nghị chỉ đạo phối hợp tốt giữa các ban ngành, Thanh tra, công an, tòa án để có thể trợ giúp tốt nhất cho người dân. Trong thời gian tới, áp dụng Luật Trợ giúp pháp lý sẽ có nhiều thay đổi, lượng đối tượng cần TGPL sẽ tăng lên rất nhiều, đặc biệt là đối với các tỉnh, địa phương ở khu vực biên giới nên cần có sự phối hợp kịp thời giữa các bên, cần có nguồn kinh phí để hoạt động.
Sở Tư pháp cần phát huy vai trò tham mưu
Sau khi lắng nghe những ý kiến đóng góp của Sở Tư pháp, các cơ quan chức năng và thành viên Đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi ghi nhận những vấn đề còn vướng mắc tồn đọng và yêu cầu đại diện các ban ngành của địa phương tiến hành phối hợp để khắc phục, tháo gỡ. Đồng thời cũng yêu cầu Sở Tư pháp Bình Phước cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lĩnh vực cải cách hành chính, giúp xóa bỏ những thủ tục rườm rà, tiết kiệm thời gian, chi phí...
Ngoài triển khai, kiểm soát việc thực hiện pháp luật, cần áp dụng những hiểu biết của mình để có sự phản ánh kịp thời trong quá trình xây dựng, triển khai các chính sách, pháp luật... tìm hiểu và chỉ ra các chồng chéo, kẽ hở trong thực thi chính sách, pháp luật.
Sở Tư pháp cần phát huy vai trò tham mưu, tư vấn, hỗ trợ trong các vụ việc phức tạp, những vấn đề liên quan đến tranh chấp, doanh nghiệp, khiếu kiện của người dân. Về công tác Thi hành án dân sự (THADS), Bí thư Nguyễn Văn Lợi cũng khuyến nghị Cục THADS Bình Phước cần nỗ lực khắc phục những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tránh những vấn đề khiếu nại phát sinh...
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm cũng khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, trước mắt sẽ sớm nghiên cứu thành lập Ban chỉ đạo về hộ tịch, quốc tịch; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp với Sở Tư pháp trong các lĩnh vực để khắc phục và cải thiện kết quả công tác. Đối với những nội dung, kiến nghị khác sẽ làm việc với các cơ quan, ban ngành liên quan để giải quyết.
Trước sự chia sẻ và ủng hộ của Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, Bộ trưởng Lê Thành Long cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, THADS trên địa bàn. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về mặt thể chế cơ bản đã có đầy đủ các văn bản QPPL điều chỉnh các mặt của đời sống xã hội nhưng còn nhiều sự chồng chéo, vênh nhau giữa các luật này... vì thế cần có sự sửa đổi, điều chỉnh để phù hợp hơn trong thực tiễn triển khai, giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình thi hành.
THADS là mảng việc quan trọng của ngành Tư pháp, cụ thể trong 10 tháng qua đã thu về hơn 30 ngàn tỷ cho ngân sách. Tuy nhiên đây cũng là mảng nhạy cảm, liên quan trực tiếp tới người dân nên cán bộ THADS cần hết sức chú trọng vấn đề dung hòa quyền lợi của các bên được và bị THA để đạt được hiệu quả tối ưu.
Bộ trưởng cũng lưu ý về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong thời gian tới phạm vi và khả năng phải xảy ra bồi thường sẽ rất rộng, vậy nên cần quán triệt xử lý tốt, tránh việc xảy ra việc phải bồi thường...
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định Bình Phước là địa phương quan tâm tới công tác tư pháp, hy vọng trong thời gian tới tiếp tục sẽ nhận được sự động viên, khích lệ của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động của ngành tư pháp, THADS.
                                      Giang Nam