Hội thảo dự thảo Báo cáo khảo sát nhận thức về việc tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo hành

23/03/2017
Hội thảo dự thảo Báo cáo khảo sát nhận thức về việc tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo hành
Trong khuôn khổ chương trinh trình hợp tác năm 2017 giữa Bộ Tư pháp với Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWOMEN), vừa qua, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Báo cáo khảo sát nhận thức về việc tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo hành.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Lê Tiến Châu- Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng: Tuyên ngôn thế giới về quyền con người đã khẳng định nguyên tắc tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm, không có sự phân biệt nào. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn tồn tại ở rất nhiều nơi dưới nhiều hình thức. Phụ nữ phải đối mặt với tình trạng bị đối xử bất bình đẳng ở nhiều lĩnh vực mà một trong những biểu hiện cao nhất của bất bình đẳng là tình trạng bạo lực đối với phụ nữ. Họ cảm thấy do dự trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương do họ thiếu kiến thức pháp luật, lo sợ về vấn đề đổ lỗi cho nạn nhân hoặc do chính kết quả không mong muốn khi họ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Điều này đã gây ra những tác động tiêu cực không chỉ cho bản thân nạn nhân mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của toàn xã hội.
Để khắc phục tình trạng này, tại các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một trong những giải pháp hữu hiệu để tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ quyền của phụ nữa là thay đổi nhận thức của chính nạn nhân, của xã hội và những chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền của phụ nữ; đặc biệt là nhận thức của cán bộ thực thi pháp luật. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm quyền tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo hành.
Bảo đảm quyền tiếp cận công lý của phụ nữ là bảo đảm yếu tố thiết yếu để đạt được bình đẳng giới. Công lý và khả năng tiếp cận công lý sẽ tạo cho phụ nữ cơ hội tích cực thực hiện toàn bộ các quyền con người của mình. Do đó, phải có giải pháp thiết thực trong việc giải quyết các nguyên nhân ảnh hưởng tới việc bảo đảm quyền của phụ nữ.
Bên cạnh đó, tại hội thảo cũng có nhiều ý kiến góp ý về: Bảo đảm sự riêng tư cho nạn nhân; Đảm bảo an toàn và an ninh cho nạn nhân; Cho phép người hỗ trợ, người bảo vệ quyền của nạn nhân được ở bên nạn nhân trong quá trình trình báo; tiếp xúc với  kiểm sát viên; hoặc tham gia phiên tòa”.
Chủ trì Hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đánh giá cao sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo là những ý kiến quý báu  giúp chúng tôi hoàn thiện dự thảo Báo cáo.

Nguyễn Văn Quân, Phòng  THHC