Đoàn công tác liên ngành khảo sát và học tập kinh nghiệm tại Cộng hòa Pháp

22/03/2017
Đoàn công tác liên ngành khảo sát và học tập kinh nghiệm tại Cộng hòa Pháp
Trong khuôn khổ Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (gọi tắt là “Đề án 165”), Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 264/QĐ-BTP thành lập Đoàn công tác liên ngành đi học tập, nghiên cứu về quản lý công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính tại Cộng hòa Pháp trong thời gian từ 15/3/2017 đến 22/3/2017 do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng dẫn đầu.
Tham gia Đoàn có đại diện lãnh đạo cấp Vụ của các cơ quan: Ban Tổ chức Trung ương; Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Nam Định; Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực: Hải Phòng, Kiên Giang, Quảng Trị, Hưng Yên.
Cơ sở đào tạo của phía Pháp tiếp đón và làm việc với Đoàn là Trường Hành chính quốc gia Pháp (ENA). Được tướng De Gaulle thành lập vào tháng 10 năm 1945, ENA là nơi đào tạo các chức danh cao cấp trong hệ thống hành chính của Pháp và liên minh châu Âu, đào tạo theo hướng chuyên nghiệp cho các công chức cao cấp. Chức năng nhiệm vụ chính của trường là đào tạo các công chức cao cấp của Pháp và nước ngoài. Từ hơn 60 năm nay, ENA đào tạo cho nhiều học viên nước ngoài đến từ tất cả các châu lục, các học viên này được tuyển chọn thông qua mạng lưới các đại sứ quán. Hơn 3300 học viên nước ngoài đã được đào tạo tại trường trong khuôn khổ các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn.
Tại Trường ENA, Đoàn công tác đã được các quan chức cao cấp đến từ Tham chính viện, Ban Thư ký của Chính phủ giới thiệu về các chủ đề: tổ chức bộ máy nhà nước Cộng hòa Pháp; vai trò của từng nhánh quyền lực như lập pháp (Thượng nghị viện, Hạ nghị viện), hành pháp (Tổng thống, Thủ tướng), tư pháp (Tòa án tư pháp tối cao, Tham chính viện - Tòa án hành chính tối cao); vai trò của từng chủ thể cũng như mối quan hệ phối hợp công tác giữa các chủ thể đó trong công tác lập pháp và lập quy; quy trình soạn thảo một văn bản luật và một văn bản dưới luật (nghị định hướng dẫn luật hoặc nghị định độc lập); quy trình đánh giá tác động (về kinh tế, xã hội, môi trường, bình đẳng giới…) phục vụ công tác xây dựng pháp luật; các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; các công cụ hỗ trợ công tác xây dựng pháp luật (hệ thống công báo điện tử thay thế công báo giấy, cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật toàn diện và miễn phí…).
Kết hợp song song với các buổi giảng lý thuyết, Đoàn đã đến thăm và làm việc thực tế tại Tham chính viện, Ban Thư ký của Chính phủ Pháp. Đây là buổi làm việc mang tính chuyên môn sâu do Tham chính viện là một thể chế quan trọng trong chính thể cộng hòa Pháp với chức năng kép là một cơ quan xét xử như Tòa án hành chính tối cao trong hệ thống tổ chức tòa án hành chính đồng thời cũng có vai trò tham vấn đối với Chính phủ, Nghị viện Pháp trong việc xây dựng luật, pháp lệnh và các nghị định. Tham chính viện Pháp là Tòa án hành chính cấp cao nhất, có quyền tự mình hoặc trên cơ sở kháng cáo, kháng nghị đưa ra phán quyết đối với các tranh chấp hành chính, ra các bản án “nhân danh nhân dân Pháp”.  Bên cạnh đó, Tham chính viện bắt buộc phải được hỏi ý kiến về tất cả các dự án luật trước khi được Chính phủ thảo luận tại phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng để trình sang Nghị viện thông qua (Điều 39 Hiến pháp 1958); về các dự án pháp lệnh (Điều 38 Hiến pháp 1958) và các nghị định thuộc thẩm quyền lập quy của Chính phủ (Điều 37 Hiến pháp 1958). Thủ tướng Chính phủ đồng thời là Chủ tịch Tham Chính viện, tuy nhiên chỉ là Chủ tịch danh dự.
Ban Thư ký Chính phủ Pháp – cùng với Văn phòng Chính phủ Pháp – là 2 cơ quan giúp việc hàng ngày cho Tổng thống và Thủ tướng Pháp. Nếu như Văn phòng Chính phủ là một thiết chế nghiêng về khía cạnh chính trị, là nơi tập hợp khoảng 40 người đóng vai trò như cố vấn chính trị (mà chủ yếu trong số đó là các nhà chính trị trẻ, có tiềm năng, triển vọng hoạt động chính trị) thì Ban Thư ký Chính phủ là thiết chế nghiêng về khía cạnh chuyên môn, là nơi tập hợp 120 công chức cấp cao, đóng vai trò tham mưu về các vấn đề pháp lý, chuyên môn, chuẩn bị các biên bản, lưu trữ và phát hành văn bản,  giúp Chính phủ điều phối hoạt động của các Bộ. Điểm khác nhau cơ bản giữa hai thiết chế này nằm ở chỗ, mỗi khi có sự thay đổi Chính phủ thì toàn bộ Văn phòng Chính phủ bị thay thế trong khi Ban Thư ký Chính phủ vẫn giữ nguyên. Nói tóm lại, Ban Thư ký Chính phủ đóng vai trò duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục của Chính phủ Pháp mà nói rộng ra là toàn bộ nền hành chính Pháp.
Bên cạnh đó, Đoàn cũng đã làm việc với Hội đồng công chứng tối cao Pháp. Tại buổi làm việc, ông Jean Deleage, phụ trách hợp tác khu vực châu Á Thái Bình Dương của Hội đồng khẳng định mong muốn giúp đỡ về mặt tổ chức và hoạt động của nghề công chứng ở Việt Nam trong đó có việc thành lập và vận hành Hiệp hội công chứng toàn quốc cũng như thúc đẩy quan hệ kết nghĩa công chứng địa phương giữa hai nước. Ngoài ra, ông Jean Deleage cũng chính thức mời đại diện Bộ Tư pháp Việt Nam cũng như đại diện giới công chứng của Việt Nam tham gia Đại hội công chứng toàn quốc của Pháp dự kiến tổ chức tại thành phố Lille của Pháp vào tháng 9/2017.
Theo chương trình, Đoàn sẽ còn tìm hiểu và làm việc với các cơ quan như Hạ nghị viện, Bộ Tư pháp, Hội đồng thừa phát lại quốc gia Pháp. Tin tức sẽ tiếp tục được cập nhật theo chương trình công tác của Đoàn.
       Vụ Hợp tác quốc tế cập nhật từ Paris – Cộng hòa Pháp