Người bị thiệt hại sẽ được tạm ứng bồi thường

15/03/2017
Người bị thiệt hại sẽ được tạm ứng bồi thường
Đây là một trong những nội dung bổ sung đáng chú ý của Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN). Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng sửa đổi rõ ràng hơn về nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại. Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, những vấn đề này đã được nêu lên tại cuộc họp Lãnh đạo Bộ nghe báo cáo về Dự thảo Luật sau khi được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chỉnh lý.
Cụ thể từng mức hoàn trả
Luật TNBTCNN hiện hành quy định chưa rõ ràng về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại, trách nhiệm của người ra quyết định hoàn trả dẫn đến việc hoàn trả của người thi hành công vụ còn bị xem nhẹ và chưa được thực hiện thống nhất. Thực tế này dẫn đến việc chưa bảo đảm tính răn đe, chưa nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Vì vậy, Dự thảo Luật đã sửa đổi nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại theo hướng trong mọi trường hợp đều phải hoàn trả, quy định cụ thể việc xác định mức hoàn trả căn cứ vào lỗi, mức độ lỗi, số tiền Nhà nước đã bồi thường. 
Dự thảo Luật quy định tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại; sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả. Quy định về trách nhiệm hoàn trả nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, bảo đảm tính răn đe nhưng cũng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của bộ máy nhà nước, hoàn trả lại một phần kinh phí mà Nhà nước đã bồi thường.
Cụ thể, người thi hành công vụ gây thiệt hại mà có lỗi vô ý sẽ hoàn trả 3 – 5 tháng lương, lỗi cố ý nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoàn trả 30 - 50 tháng lương, lỗi cố ý bị truy cứu trách nhiệm hình sự phải hoàn trả toàn bộ. Còn Dự thảo Luật sau chỉnh lý bổ sung, ngoài các trường hợp nêu trên, người thi hành công vụ phải hoàn trả 1 tháng lương.
Đặc biệt, Dự thảo Luật quy định, đối với trường hợp người yêu cầu bồi thường có yêu cầu tạm ứng kinh phí bồi thường thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm thực hiện việc tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản tiền bồi thường có thể tính được ngay cho người bị thiệt hại (Điều 44). Cơ quan tài chính phải kịp thời cấp phát kinh phí tạm ứng khi có văn bản đề nghị của cơ quan giải quyết bồi thường. Quy định tạm ứng được xây dựng xuất phát từ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trước thực tế có trường hợp ông Huỳnh Văn Nén.  
Ngoài ra, về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Văn Bốn cho biết, trong Dự thảo Luật sau chỉnh lý cũng có một số ý kiến đề nghị mở rộng thêm về nguyên tắc. Tuy nhiên, ông Bốn thông tin, theo văn bản của TANDTC thì cơ quan này đề nghị Nhà nước chỉ giải quyết bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có yêu cầu bồi thường.
Xoa dịu bức xúc của người bị thiệt hại
Bàn về trách nhiệm hoàn trả, nguyên Thứ trưởng Hoàng Thế Liên phân tích, người dân đóng thuế để nuôi bộ máy hoạt động hiệu quả, trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thì phải kỷ luật cán bộ. Nhưng đây là vấn đề phải có cả trách nhiệm chính trị, chứ không đơn thuần là trách nhiệm hành chính. “Chúng ta phải nhận thức rằng không đặt quy định trách nhiệm hoàn trả để những cán bộ yếu kém núp bóng. Nếu cứ đổ lỗi công chức cũng chỉ là người bình thường, khó tránh được khuyết điểm thì đừng làm công chức nữa” – ông Liên kiên quyết.
Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 3 (Tổng cục Thi hành án dân sự) Nguyễn Thị Hoàng Giang lại nêu một số băn khoăn. Đối với quy định về tạm ứng bồi thường, theo bà Giang, nếu trường hợp đã cấp tạm ứng mà qua thẩm định, thiệt hại được xác định là không đúng hoặc trường hợp về sau không thuộc diện phải bồi thường thì thu hồi như thế nào. Đối với trách nhiệm hoàn trả, trường hợp người thi hành công vụ đã làm hết trách nhiệm nhưng vẫn gây thiệt hại mà vấn đề nằm ở thể chế, quan điểm khác nhau thì sao, người thi hành công vụ có phải hoàn trả không.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chia sẻ, thực tế vừa qua cho thấy, tiền bồi thường là tiền thuế của người dân được mang ra chi trả cho người bị thiệt hại, trong khi cơ quan, người gây ra thiệt hại không phải bồi hoàn vì không chứng minh được lỗi nên gây bức xúc trong dư luận. Bởi thế, quy định về hoàn trả là để thấy được trách nhiệm của người thi hành công vụ và thấp nhất chỉ là 1 tháng lương. 
Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, riêng về về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước phải bảo vệ quan điểm của Chính phủ, nếu mở rộng như một số ý kiến thì quy trình giải quyết bồi thường kéo dài không biết đến bao giờ, ảnh hưởng đến người bị thiệt hại. Theo Bộ trưởng, ưu điểm của tạm ứng bồi thường và hoàn trả là góp phần xoa dịu bức xúc của người bị thiệt hại, của dư luận nhưng Bộ trưởng chỉ đạo phải tham khảo thêm kinh nghiệm của các nước.
Hoàng Thư