Hội thảo quốc gia “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông”

04/03/2017
Hội thảo quốc gia “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông”
Nhân dịp 520 năm ngày mất của vua Lê Thánh Tông, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông - Những giá trị lịch sử và đương đại”.
Tham dự Hội thảo có Đồng chí Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân tỉnh Thanh Hóa, Lãnh đạo của một số Ban, Bộ, Ngành của Trung ương và gần 300 đại biểu là nguyên lãnh đạo Bộ Tư pháp, đại diện lãnh đạo một số đơn vị của các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các Sở, Ban, Ngành của tỉnh Thanh Hóa. Hội thảo cũng có sự tham dự của đại diện các cơ sở nghiên cứu về luật và lịch sử hàng đầu Việt Nam cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn.
TS. Lê Thành Long - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, TS. Phan Chí Hiếu – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nhà sử học Dương Trung Quốc – Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Cương, Q. Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý đồng chủ trì Hội thảo.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh: Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có những thời kỳ, những triều đại, mà nhờ những nỗ lực cải cách quản trị quốc gia, đất nước phát triển đến đỉnh cao. Triều Vua Lê Thánh Tông, gắn với niên hiệu Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497), là một trong những triều đại như vậy. Trong thời trị vì của Đức Vua Lê Thánh Tông, nước Đại Việt đã phát triển rực rỡ về mọi mặt, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục đến quân sự, trở thành một cường quốc trong khu vực. Các nhà viết sử thường gọi đây là thời kỳ thịnh trị Hồng Đức, thời kỳ thịnh trị nhất trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam. Vua Lê Thánh Tông được xem là một “bậc Vua anh hùng tài lược”, người đã “sửa sang chính trị, mở mang học hành, chỉnh đốn vũ bị,... mở thêm bờ cõi, khiến cho nước Nam... được văn minh thêm,... lừng lẫy một phương”.
Trong số những thành tựu đặc sắc của Triều Vua Lê Thánh Tông phải kể đến những thành công của công cuộc cải cách pháp luật, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước để quản lý thống nhất quốc gia. Quốc triều hình luật hay còn được gọi là Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật nổi tiếng vừa thể hiện tính nghiêm minh khi trừng trị người có hành vi xâm phạm các giá trị nền tảng của xã hội, vừa đề cao tính nhân văn, nội dung đậm chất dân tộc, một mẫu mực về trình độ, kỹ thuật lập pháp, là một trong những ví dụ điển hình.
 Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, cho đến tận ngày nay, trong xã hội Việt Nam đư­ơng thời, vẫn còn lưu lại những dấu ấn đậm nét về kết quả sự nghiệp cải cách của ông trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều bài học của ông để lại cho hậu thế, đến nay, vẫn còn nguyên giá trị, có thể nghiên cứu, đề xuất việc áp dụng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành nhiều cải cách về pháp luật, tư pháp, hành chính và đã đem lại những thành công nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong các cuộc cải cách vừa qua, đã được nhìn nhận, đánh giá qua các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, chẳn hạn như tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước còn những điểm chưa thực sự hợp lý, hiệu lực, hiệu quả; hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định; kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ, thi hành pháp luật còn nhiều yếu kém ...
Đây là những hạn chế cần tiếp tục được nghiên cứu, khắc phục trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng cho rằng Hội thảo Hội thảo quốc gia “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều Vua Lê Thánh Tông - Những giá trị lịch sử và đương đại” có ý nghĩa vô cùng quan trọng và thực sự cần thiết, có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn. Hội thảo không chỉ là dịp để các thế hệ luật gia, các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc. Đồng thời, cũng là dịp để tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm cải cách, những kế sách trị quốc an dân của Đức Vua, nhằm rút ra những bài học hữu ích để vận dụng vào thực tiễn cải cách, đổi mới hiện nay của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là thực hiện các chủ trương lớn về cải cách pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp, theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân do dân và vì dân.
 
Tại Hội thảo, Bộ trưởng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học cùng đại biểu tham dự Hội thảo làm sáng tỏ những giá trị lịch sử, những thành tựu nổi bật trong cải cách pháp luật, xây dựng bộ máy nhà nước, xây dựng đội ngũ quan lại dưới triều vua Lê Thánh Tông, trên cơ sở liên hệ với thực tiễn đất nước hiện nay, rút ra các bài học kinh nghiệm để vận dụng trong tiến trình cải cách pháp luật, cải cách hành chính và xây dựng bộ máy nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.
                                                             Đức Thọ