Họp thẩm định dự thảo Luật Tố cáo

23/01/2017
Họp thẩm định dự thảo Luật Tố cáo
Thực hiện Quyết định số 79/QĐ-BTP ngày 19 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Hội đồng thẩm định Dự án Luật Tố cáo, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp thẩm định Dự án Luật Tố cáo. Đồng chí Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp là các thành viên Hội đồng thẩm định bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các bộ, ngành như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội Vụ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ… và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Sau khi nghe đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày Dự thảo Tờ trình và những nội dung cơ bản của Dự án Luật, Thứ trưởng Lê Tiến Châu đề nghị thành viên hội đồng tập trung làm rõ một số vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của của Dự thảo Luật Tố cáo. 
Các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với sự cần thiết xây dựng Dự án Luật Tố cáo và đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, trong một thời gian ngắn đã tích cực nghiên cứu, đánh giá, tổng kết làm cơ sở xây dựng Dự án Luật này. Bên cạnh đó, một số thành viện Hội đồng thẩm định góp ý cụ thể vào các vấn đề sau:
Về thẩm quyền giải quyết tố cáo (Mục 1, Chương III Dự thảo), đề nghị bổ sung, chỉnh lý quy định tại Điều 12 dự thảo Luật, gồm: đề nghị quy định cụ thể cơ quan, tổ chức chủ trì giải quyết tố cáo trong trường hợp tố cáo nhiều cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhiều cơ quan về cùng hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nào là đơn vị chủ trì giải quyết nếu đơn tố cáo được gửi tới nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, ví dụ đơn tố cáo các thành viên đoàn liên ngành; đề nghị quy định cụ thể việc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong trường hợp người bị tố cáo thay đổi xuống chức danh thấp hơn, bị mất chức hoặc không làm cán bộ, công chức, viên chức nữa.
Về hình thức tố cáo, đề nghị dự thảo Luật nên quy định hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo qua điện thoại…để phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị cần có cơ chế để xem xét, xử lý đối với những tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhằm tránh bỏ lọt, bỏ sót hoặc xử lý không kịp thời đối với nhiều hành vi vi phạm pháp luật.
Về bảo vệ người tố cáo (Chương VI Dự thảo), đề nghị quy định về biện pháp bảo vệ người tố cáo còn chung chung, chưa phù hợp thức tiễn, đề nghị quy định cụ thể trường hợp nào được bảo vệ, thời hạn bảo vệ, cách thức phối hợp, trách nhiệm cụ thể giữa người giải quyết tố cáo và cơ quan công an, cơ quan khác trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân thích của người tố cáo; bổ sung thêm quy định bảo vệ người cung cấp thông tin, tài liệu quan trọng làm chứng cứ cho việc giải quyết tố cáo; quy định cụ thể trường hợp nào thì việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, xâm hại đến tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm; quy định  bảo vệ người tố cáo sau khi vụ việc đã có kết luận tố cáo.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Tiến Châu cho rằng Dự thảo Luật Tố cáo đã cơ bản làm rõ hơn trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong công tác giải quyết tố cáo và đảm bảo tính thống nhất, thông suốt trong quản lý, điều hành. Để bảo đảm chất lượng của Dự án Luật trước khi trình Chính phủ, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, tiếp tục rà soát, chỉnh lý Dự án Luật. Trên cơ sở kết quả cuộc họp Hội đồng thẩm định, Bộ Tư pháp sẽ khẩn trương hoàn thành báo cáo thẩm định./.
                                                                                            Nguyễn Văn Quân