Phải biết tranh thủ cơ hội khi gia nhập các thiết chế hợp tác về pháp luật và tư pháp

08/02/2017
Phải biết tranh thủ cơ hội khi gia nhập các thiết chế hợp tác về pháp luật và tư pháp
Năm 2016 tiếp tục là một năm gặt hái nhiều thành công của Bộ, ngành Tư pháp. Nhân dịp Tết đến Xuân về, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc để nhìn lại những dấu ấn đáng ghi nhận trong một số lĩnh vực công tác do Thứ trưởng phụ trách chỉ đạo.
Lắng nghe để nghiên cứu điều chỉnh Phần mềm đăng ký khai sinh
* PV: Một trong những quy định được người dân và các cơ quan tư pháp mong chờ ngay từ đầu năm 2016 là việc thực hiện Luật Hộ tịch, trong đó có việc thí điểm triển khai Phần mềm đăng ký khai sinh (ĐKKS) điện tử và cấp Số định danh cá nhân. Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả đạt được và đánh giá của đồng chí về những kết quả đó.
- Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016; qua hơn 01 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã có những bước chuyển biến rõ rệt, mang lại nhiều thuận lợi cho cơ quan tư pháp và người dân. Đối với cơ quan tư pháp, mà cụ thể là đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, đội ngũ này đã được rà soát, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch, kiện toàn ở cấp huyện, cấp xã và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong Luật Hộ tịch. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch cũng đã được các địa phương từng bước chú trọng. Đối với người dân, thực hiện quy định của Luật Hộ tịch, các thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết; cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch không phụ thuộc vào nơi cư trú, có quyền lựa chọn phương thức đăng ký hộ tịch, miễn lệ phí đăng ký hộ tịch trong một số trường hợp...
  Nhằm bảo đảm từng bước thực hiện đồng bộ Luật Hộ tịch, Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, Luật Căn cước công dân, từ ngày 01/01/2016, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công an triển khai thí điểm Phần mềm ĐKKS có kết nối với hệ thống cấp số định danh cá nhân của Bộ Công an để cấp số định danh cá nhân cho trẻ em ngay khi được ĐKKS tại 04 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh) và huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Đến tháng 9/2016, việc áp dụng Phần mềm ĐKKS tiếp tục được mở rộng thêm ở 07 tỉnh: An Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp. Theo báo cáo của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 12 Sở Tư pháp, 152 Phòng Tư pháp cấp huyện và 2.281 UBND cấp xã sử dụng Phần mềm ĐKKS điện tử; tổng số công chức làm công tác hộ tịch có tài khoản để đăng nhập, sử dụng là trên 3.000 người. Tính đến hết ngày 31/12/2016, tổng số trường hợp được ĐKKS mới trên toàn quốc là 1.880.068 trường hợp, trong đó có 385.000 trường hợp được ĐKKS và cấp số định danh cá nhân bằng phần mềm ĐKKS. 
  Có thể đánh giá rằng, mặc dù Phần mềm ĐKKS được xây dựng và triển khai trong thời gian ngắn tại các địa phương triển khai thí điểm nhưng cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu ĐKKS và quản lý, thống kê số liệu ĐKKS, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, vừa phục vụ hiệu quả, chính xác cho hoạt động quản lý của cơ quan đăng ký hộ tịch các cấp.
  Phần mềm này có những ưu điểm so với các phần mềm riêng lẻ mà các Sở Tư pháp đã sử dụng trước đây như được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch ở cả 4 cấp, cấu trúc thông tin dữ liệu ĐKKS được chuẩn hóa, bảo đảm việc sau này cung cấp, tích hợp dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được diễn ra một cách thuận lợi; tạo điều kiện cho việc thống kê, tổng hợp số liệu ĐKKS của các cơ quan đăng ký hộ tịch; số liệu thống kê hộ tịch bảo đảm đầy đủ, chính xác.
Nói như vậy không có nghĩa là mọi thứ đã tốt vì còn đang trong giai đoạn đầu triển khai Luật Hộ tịch và Phần mềm. Các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp là Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và Cục Công nghệ thông tin đang bám sát hàng ngày cùng với các cơ quan tư pháp địa phương có đánh giá, điều chỉnh và lắng nghe phản hồi để có nghiên cứu điều chỉnh.
* PV: Dự kiến trong năm 2017, việc triển khai Phần mềm này sẽ có bước chuyển nào nữa không, thưa Thứ trưởng?
- Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Trong năm 2017, Bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch gắn với việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tiếp tục chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi và trách nhiệm đăng ký hộ tịch; tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra...
Đối với Phần mềm ĐKKS điện tử, thực hiện kế hoạch triển khai Dự án thí điểm thiết lập hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, từ nay đến hết tháng 6/2017, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai, áp dụng Phần mềm ĐKKS điện tử đối với các địa phương chưa được triển khai, đảm bảo đủ điều kiện để từ năm 2017, trên toàn quốc có thể áp dụng thống nhất một phần mềm phục vụ công tác ĐKKS cho công dân theo đúng các quy định của pháp luật về hộ tịch.
Chủ yếu mang lại cơ hội cho Việt Nam
* PV: Được biết, Thứ trưởng vừa được giao phụ trách công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (XLVPHC&TDTHPL). Đây là những mảng công việc lớn, phức tạp và là mới đối với Bộ, Ngành Tư pháp, liên quan đến nhiều lĩnh vực nhưng đã đạt được một số kết quả bước đầu. Thứ trưởng có thể điểm lại những kết quả đạt được trong công tác XLVPHC&TDTHPL năm 2016?
- Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Đúng như phóng viên đã nhận định, lĩnh vực XLVPHC&TDTHPL là những mảng công việc phức tạp và lại mới đối với các cơ quan tư pháp. Tôi được Bộ trưởng phân công phụ trách những công việc này từ ngày 01/11/2016, thời gian phụ trách công tác này chưa được nhiều, nhưng từ tổng kết công tác trong 2 mảng công việc này năm 2016 và triển khai nhiệm vụ 2017, tôi có thể khái quát những kết quả chính đã đạt được trong năm 2016 như sau:
Một là, năm 2016, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về XLVPHC&TDTHPL  tiếp tục được chú trọng nhằm tạo bước chuyển biến mới, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động XLVPHC&TDTHPL. Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định để xử lý các vấn đề bất cập, tồn tại, khó khăn, vướng mắc của công tác này, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.  
Hai là, Bộ Tư pháp đã có phản ứng chính sách kịp thời trong công tác xử lý vi phạm hành chính nhất là đối với những vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận, các vụ việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, khởi nghiệp; sự tham gia của Bộ, ngành Tư pháp trong nhiều trường hợp đã góp phần tránh khỏi việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, thương mại cũng như không bỏ lọt các sai phạm, bảo đảm áp dụng đúng pháp luật.
Ba là, công tác xử lý vi phạm hành chính là lĩnh vực phức tạp, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan bao gồm nhiều tầng nấc, chính vì vậy, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật XLVPHC&TDTHPL đến người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng, kiểm tra cũng được chú trọng.
Bốn là, việc kiểm tra thi hành pháp luật về XLVPHC&TDTHPL tại một số Bộ, ngành, địa phương trong một số lĩnh vực pháp luật tiếp tục được Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan quan tâm thực hiện. Thông qua các hoạt động kiểm tra, công tác XLVPHC&TDTHPL ngày càng được Lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương  quan tâm, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.
* PV: Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của những công tác này, Thứ trưởng có thể chia sẻ những dự định của mình về các giải pháp chỉ đạo, điều hành?
- Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Trong bối cảnh thể chế pháp luật về XLVPHC&TDTHPL đang cần được rà soát, hoàn thiện, công tác tổ chức thi hành pháp luật nói chung và trong lĩnh vực này nói riêng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập do các nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, trong khi các nguồn lực về con người, tài chính khá hạn chế, không thể tăng thì cần có những giải pháp khác, trong đó có giải pháp chỉ đạo, điều hành thì mới thực hiện tốt được chức năng, nhiệm vụ giao cho cơ quan tư pháp. Cho phép tôi nêu 4 giải pháp chỉ đạo, điều hành sau đây:
Thứ nhất, tập trung rà soát, đánh giá, tổng kết thi hành khuôn khổ pháp luật về XLVPHC&TDTHPL để có đề xuất hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Thứ hai, phối hợp Bộ, ngành và địa phương tổ chức thi hành tốt pháp luật về XLVPHC&TDTHPL; quan tâm tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn nghiệp vụ để pháp luật được thi hành đúng, thống nhất.
Thứ ba, tăng cường quản lý nhà nước, nhất là lắng nghe dư luận, ý kiến của người dân, doanh nghiệp để phản hồi chính sách; tăng cường thanh tra, kiểm tra để từng bước lập trật tự kỷ cương, tạo ý thức tôn trọng pháp luật.
Thứ tư, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để ưu tiên nguồn lực; đề cao chất lượng, hiệu quả trong xử lý công việc.
* PV: Trong năm 2016, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức quốc tế về Luật Phát triển (IDLO) và Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp (Công ước Tống đạt). Theo Thứ trưởng, đâu là những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập những thiết chế này?
- Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Việc Việt Nam chính thức gia nhập IDLO) và Công ước Tống đạt trong năm 2016 vừa qua là những tin vui cho Việt Nam nói chung và các cơ quan tư pháp nói riêng. Đây cũng là bước thực hiện định hướng của Bộ Tư pháp trong việc tiếp cận và chủ động tham gia các thiết chế quốc tế đa phương về pháp luật và tư pháp. Nói như vậy để thấy việc gia nhập IDLO và Công ước Tống đạt là nằm trong kế hoạch của Bộ Tư pháp và xuất phát từ nhu cầu của Việt Nam, của các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam. Về cơ hội và thách thức từ việc gia nhập hai thiết chế này thì có thể nói về tổng thể, cơ hội là chính và các thách thức thì nằm trong sự kiểm soát của Việt Nam.
Đối với IDLO, đây là tổ chức quốc tế hợp tác về chuyên môn pháp luật vì mục đích pháp quyền và phát triển. Tham gia IDLO có tới gần 100 quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có Liên minh Châu Âu và các tổ chức của Liên Hợp quốc. Với tư cách là quốc gia thành viên, Việt Nam sẽ được tham gia điều hành, thảo luận và quyết định chiến lược, chương trình, kế hoạch hoạt động lâu dài và hàng năm của IDLO phù hợp với các lợi ích của Việt Nam. Không những thế, việc Việt Nam trở thành thành viên của IDLO sẽ mở ra cơ hội để các cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam tiếp cận với các kinh nghiệm quốc tế, chương trình/dự án hỗ trợ kỹ thuật và các khóa đào tạo về pháp luật của IDLO cũng như của các quốc gia thành viên - những việc mà Việt Nam cần trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Ðối với Công ước Tống đạt, đây là công cụ pháp lý đa phương quan trọng nhất hiện nay trong lĩnh vực tương trợ tư pháp với 71 nước thành viên trong đó có hầu hết những nước mà Việt Nam có nhu cầu cao hợp tác về tống đạt, tương trợ tư pháp về hệ dân sự, thương mại. Việc gia nhập Công ước này cho phép Việt Nam có thể gửi các yêu cầu về tống đạt giấy tờ đến trên 70 nước trên thế giới; tháo gỡ “nút thắt” trong giải quyết các vụ việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài lâu nay là không có kết quả, góp phần thúc đẩy giao lưu dân sự, thương mại, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Về tác động lâu dài có thể thấy, các vụ việc dân sự được giải quyết sớm, kịp thời sẽ giúp các cơ quan tố tụng tiết kiệm được nguồn nhân lực, tài chính, người dân tiết kiệm được chi phí tố tụng, qua đó giảm thiểu được chi phí chung của xã hội.
Bên cạnh những cơ hội nói trên, việc tham gia 02 thiết chế này cũng đặt ra một số thách thức đối với Việt Nam trong thời gian tới. Trước hết, việc gia nhập là một chuyện và các cơ hội đem lại từ việc gia nhập 2 thiết chế này có hiện thực hay không còn phụ thuộc vào việc chúng ta có biết tận dụng, tranh thủ các cơ hội hay không. Nếu không xử lý tốt thì cơ hội có thể là thách thức. Ở đây tôi chỉ nhấn mạnh yếu tố con người, lực lượng cán bộ, chuyên gia vừa giỏi về chuyên môn luật quốc tế, vừa có trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm hợp tác quốc tế tốt để tham gia vào các hoạt động của 02 thiết chế đa phương này cũng như là khai thác 2 thiết chế một cách hiệu quả rất cần được quan tâm.
 Khi trở thành thành viên Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các yêu cầu tống đạt từ trên 70 quốc gia thành viên còn lại của Công ước, do vậy, số lượng hồ sơ và khối lượng công việc sẽ tăng lên nhiều ở cả Cơ quan Trung ương là Bộ Tư pháp và địa phương trong bối cảnh nguồn lực con người và tài chính hạn chế cũng là thách thức cần vượt qua. Ngoài ra, những điểm yếu nội tại của Việt Nam như khuôn khổ pháp luật, sự phối hợp liên ngành hoặc giữa các cơ quan trung ương với địa phương, việc hạn chế năng lực giám sát thực hiện cam kết quốc tế của phía đối tác nước ngoài... cũng cần được khắc phục thì các mục tiêu gia nhập 2 thiết chế đa phương mới được trọn vẹn.
* PV: Xin cám ơn Thứ trưởng!
Hoàng Thư