Quy định chặt chẽ sẽ góp phần xử lý tình trạng quân xanh quân đỏ trong bán đấu giá

24/10/2016
Quy định chặt chẽ sẽ góp phần xử lý tình trạng quân xanh quân đỏ trong bán đấu giá
Tiếp tục kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ngày 24/10, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu giá tài sản. Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh dự án luật này.
Thưa Bộ trưởng, vì sao phải xây dựng Luật Đấu giá tài sản trong giai đoạn hiện nay?
Hiện nay, Chính phủ đã có Nghị định 17/CP về bán đấu giá tài sản, thực hiện từ năm 2010, đến nay đã làm được nhiều việc. Tuy nhiên, trong điều kiện mới có nhiều vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đấu giá viên, thủ tục, các vấn đề liên quan đến tài sản đấu giá… Vì vậy trong chương trình xây dựng Luật , Pháp lệnh có Luật Đấu giá tài sản. Dự luật này, Quốc hội khóa 13 đã nghe một lần, dự định thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13 nhưng không bố trí được thời gian nên  Quốc hội sẽ xem xét, thông qua trong kỳ họp này.
- Trong dự luật Chính phủ trình đề cập hai phương án xử lý nợ xấu. Qua thảo luận còn ý kiến khác nhau, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo?
Nợ xấu là 1 hiện tượng có tính chất tạm thời của nền kinh tế. Thời gian qua, trong  hoạt động kinh tế tồn đọng nợ xấu rất lớn. Để xử lý Ngân hàng nhà nước đã thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Ngày 18/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty VAMC điều chỉnh các vấn đề liên quan đến nợ xấu và VAMC.VAMC được làm rất nhiều việc khác nhau, trong đó có bán đấu giá hoặc ký Hợp đồng với tổ chức hành nghề đấu giá bán tài sản là nợ xấu hoặc tài sản bảo đảm của nợ xấu. Để xử lý, trong phương án Chính phủ trình, có 1 vài điều, ban đầu định đưa vào điều khoản thi hành quy định nguyên tắc trong xử lý nợ xấu và những việc VAMC được làm trong xử lý nợ xấu, sau này giao Chính phủ quy định cụ thể hơn trong Nghị định hướng dẫn, đảm bảo hoạt động mang tính chất đặc thù trong đấu giá tài sản của VAMC.
Trong quá trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan, chuyên gia, người liên quan góp ý đưa ra 2 phương án. Về nguyên tắc, cả 2 phương án đều nằm trong định hướng Chính phủ trình, quan trọng Quốc hội quyết định lựa chọn phương án nào. Cơ bản nhất làm sao có được nguyên tắc cho VAMC bán đấu giá các khoản nợ xấu phù hợp quy trình, công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan đồng thời xử lý hiện tượng mang tính tức thời, đặc thù của nền kinh tế trong một giai đoạn nhất định.
-Thưa Bộ trưởng, dự án Luật này sẽ hạn chế tình trạng “quân xanh quân đỏ” như thế nào?
Dự luật đã cố gắng đến mức tối đa, quy định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, của tổ chức bán đấu giá, đặc biệt là quy trình ký kết hợp đồng, xác định giá khởi điểm, các quy định niêm yết với các quy định chặt chẽ, công khai... Hy vọng với quy định chặt chẽ như vậy sẽ góp phần xứ lý tình trạng quân xanh quân đỏ trong bán đấu giá.
                                                Thu Hằng (ghi)
Về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu: do vấn đề này còn có các loại ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề xuất 2 phương án như sau để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội:
Phương án 1: Dự thảo Luật quy định một số nguyên tắc về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được thực hiện theo trình tự, thủ tục phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn phải đồng thời tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật đấu giá tài sản một cách công khai, minh bạch, chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Tại khoản 9 Điều 4 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã sử dụng cụm từ “tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam” để sử dụng cho VAMC. Do vậy, để đảm bảo tính phổ quát xin sử dụng cụm từ này để tiếp thu bổ sung Mục 3 (gồm 2 Điều) về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Chương IV, bao gồm: Điều 64 về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và Điều 65 về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu trong trường hợp tự đấu giá tài sản. Đồng thời, bổ sung tại một số điều, khoản quy định chung trong Luật như khoản 2 Điều 2 về đối tượng áp dụng, điểm o khoản 1 Điều 3 về tài sản đấu giá...
Dự thảo Luật đấu giá tài sản hiện đang trình Quốc hội theo phương án 1.
Phương án 2: Không quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự án Luật này để đảm bảo cơ chế thị trường và nguyên tắc đấu giá theo quy định của Luật này. Sau đó, sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 53/2013/NĐ-CP theo tinh thần của Luật này nhằm tránh các hệ lụy pháp lý về mặt tài chính sau khi xử lý nợ và đảm bảo tính phổ quát của Luật.