Thay đổi cách nhìn, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người dân

20/07/2016
Thay đổi cách nhìn, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người dân
Bằng những tình huống cụ thể, thường xảy ra trong đời sống của người dân ... Đoàn tình nguyện đã khéo léo đưa những đổi mới trong bộ luật dân sự đến với từng người dân. Qua đó thay đổi cách nhìn, nâng cao hiểu biết và pháp luật cho người dân.
Bằng những tình huống cụ thể, thường xảy ra trong đời sống của người dân ... Đoàn tình nguyện đã khéo léo đưa những đổi mới trong bộ luật dân sự đến với từng người dân. Qua đó thay đổi cách nhìn, nâng cao hiểu biết và pháp luật cho người dân.
Trong chương trình hoạt động tình nguyện hè 2016, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ban chấp hành Đoàn Bộ Tư pháp, phối hợp cùng Ban chấp hành Đoàn Sở Tư Pháp Nghệ An, cùng lãnh đạo Sở Tư Pháp Nghệ An đã có chuyến thăm làm việc tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An.
Đây là một trong những xã miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Chương với đa phần người dân là đồng bào dân tộc thiểu số được di dời từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ở huyện Tương Dương về tái định cư tại đây. Cũng vì thế trình độ nhận thức hiểu biết về pháp luật của bà con nhân dân còn nhiều hạn chế.
Trong chuyến công tác đoàn đã trực tiếp đến thăm tặng quà cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa xã. Tặng những phần quà ý nghĩa dành cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao trong học tập. Đồng thời đoàn đã trao tặng 500 cuốn vở cho các học sinh ở trường tiểu học, trường THCS xã Thanh Sơn.
Lãnh đạo Sở Tư pháp Nghệ An tặng quà cho những gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Thanh Sơn
Cán bộ đoàn Sở Tư pháp Nghệ An tặng quà cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập trên địa bàn xã Thanh Sơn.
Bên cạnh đó, đoàn đã tặng xã Thanh Sơn 1 tủ sách pháp luật trị giá 3 triệu đồng, hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ xã trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng, tự kiểm tra, rà soát, thi hành văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương. Xây dựng hương ước, quy ước, trợ giúp tư vấn pháp lý cho nhân dân tại xã ...
Trong phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, bằng những tình huống cụ thể cán bộ Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp Nghệ An đã khéo léo vận dụng đưa những thay đổi, điều luật được điều chỉnh bổ sung đến từng người dân. Chính bằng những tình huống cụ thể mà người dân vẫn thường gặp trong đời sống hàng ngày đã thu hút sự chú ý của người dân. Qua đó “con đường” pháp luật đến với nhân dân nhanh hơn, dễ hiểu hơn ...
Để đưa khoản 1, Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền lối đi qua bất động sản liền kề quy định: “Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác; Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi”.
Cán bộ tư pháp đã đưa ra tình huống rất cụ thể: Do cùng đi chung một ngõ nên khi hai gia đình ông A và B có tranh chấp về phần ngõ đi chung. Ông A không cho gia đình ông B đi với lý do phần ngõ trước đây là của gia đình ông. Còn ông B thì cho rằng ngõ là của chung hai nhà nên bây giờ phải chia đôi. Mâu thuẫn giữa hai nhà rất căng thẳng khi mùa vụ vừa qua nhà ông A cố tình không cho ông B phơi rơm rạ, thậm chí đã xảy ra xô xát. Sau đó, ông A chia ra, nhà ông hai phần còn nhà ông B một phần. Gia đình ông B không đồng ý và đòi chia đôi ngõ. Mâu thuẫn gia tăng khi sáng hôm sau phần tường gạch cũ nhà ông A xây bị đổ (chưa rõ lý do), ông A cho rằng ông B đã phá đổ tường nên chửi bới và quyết định không cho gia đình ông B đi qua nữa. Có người nói với ông B nên nhờ tổ hòa giải nơi ông cư trú để giải quyết. 
Bằng tình huống này nhiều hòa giải viên tại các thôn, bản trên địa bàn xã đã hăng say phát biểu đưa ra các phương án hòa giải đồng thời dưới sự hướng dẫn của các thành viên trong đoàn để vận dụng điều luật trên một cách thấu tình đạt lý, mang lại hiệu quả cao trong công việc.
Liên quan đến cuộc sống gia đình, đặc biệt là mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu vốn là một chủ đề muôn thủa trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân, cán bộ tư pháp đưa ra tình huống: Bà A đã nhiều năm mâu thuẫn, xích mích với con dâu, ban đầu chỉ là những mâu thuẫn nhỏ nhưng về sau ngày càng gay gắt, đỉnh điểm bà A đã đuổi con dâu ra khỏi nhà và bắt con trai bà phải bỏ vợ, nếu không bỏ bà sẽ từ mặt cả con trai nên con trai bà A đã đến nhờ Tổ hòa giải giúp đỡ. 
Những người dân, hòa giải viên cơ sở hăng say tham gia "giải quyết" các tình huống được đưa ra trong chương trình.
Các cán bộ đã hướng dẫn cụ thể cho các hòa giải viên phương hướng tiếp cận, tìm hiểu nguyên nhân đồng thời vận dụng các điều khoản như để làm căn cứ giải quyết như: Khoản 4 Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha mẹ không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã. Khoản 2 Điều 70 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình”.
Khoản 1, Khoản 2 Điều 103 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Các thành viên gia đình có quyền, nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, tôn trọng nhau. Quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản của các thành viên gia đình theo quy định; Trong trường hợp sống chung thì các thành viên gia đình có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động tạo thu nhập; đóng góp công sức, tiền hoặc tài sản khác để duy trì đời sống chung của gia đình phù hợp với khả năng thực tế của mình”.
Qua đó các hòa giải viên tìm cách giải thích cụ thể cho bà mẹ hiểu được việc bà đuổi con dâu ra khỏi nhà và bắt con trai phải bỏ vợ là việc làm vi phạm pháp luật và trái với đạo đức xã hội. Bên cạnh đó cũng hướng dẫn cho người con dâu tìm được tiếng nói chung với mẹ chồng bằng cách lựa lúc mẹ chồng vui vẻ để giải thích cho bà thông cảm.
Quang Phong
 

phapluatplus.vn