Công đoàn BTP phát động tổ chức các phong trào thi đua và công tác kiểm tra công đoàn năm 2018

09/04/2018
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng – Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp đã ký Kế hoạch số 33/KH-CĐBTP phát động, tổ chức phong trào thi đua năm 2018 và Kế hoạch số 34/KH-CĐBTP về công tác kiểm tra công đoàn năm 2018.

Mục đích của Kế hoạch số 33/KH-CĐBTP nhằm: Động viên toàn thể cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, lao động phát huy truyền thống thi đua ái quốc, đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua lao động sản xuất và công tác với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động”, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát huy tính sáng tạo của mỗi tập thể, cá nhân, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn thể đoàn viên công đoàn Bộ Tư pháp, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các nhiệm vụ chính trị năm 2018 của đơn vị và của Bộ; Xây dựng và kịp thời phát hiện những tập thể, cá nhân gương mẫu trong các phong trào thi đua để nuôi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến, làm động lực phát triển nhân ra diện rộng, tạo môi trường lành mạnh để thu hút đoàn viên tích cực tham gia vào hoạt động công đoàn.
Phong trào thi đua năm 2018 tập trung vào các nội dung sau:
Một là: Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tập trung thực hiện Nghị quyết TW6 Khóa XII, Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị về: “ Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội V Công đoàn Viên chức Việt Nam; tiếp tục Quán triệt sâu rộng tới toàn thể đoàn viên công đoàn, Công đoàn cơ sở và các Tổ công đoàn về nội dung Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp và Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 03/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhằm đẩy mạnh chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở; đổi mới lề lối làm việc, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng trong thực thi các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ giao cho các đơn vị;
Hai là: Phát huy sức mạnh tổng hợp của  đoàn viên công đoàn trong từng cơ quan, đơn vị, bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, nghiên cứu xây dựng chính sách, pháp luật; thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, chăm lo đời sống, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công chức, viên chức, người lao động; tích cực thực hiện chương trình Vì lợi ích đoàn viên”, đề ra các chỉ tiêu cụ thể, giải pháp phù hợp để phát động và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua thường xuyên, Phong trào thi đua theo chuyên đề gắn kết với các phong trào thi đua Cả nước chung sức vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”(trong đó đẩy mạnh công tác truyên truyền vận đồng đoàn viên công đoàn chia sẻ khó khăn với đồng bào những vùng bị thiên tai, lũ bão); phong trào“Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”, Cán bộ Tư pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phong trào “Xây dựng cơ quan văn hóa, ngày làm việc 8 giờ chất lượng, hiệu quả”, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong công chức, viên chức nữ; phong trào xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫuvà các phong trào thi đua theo đợt, chuyên đề khác do Bộ, ngành, Công đoàn Viên chức Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động làm động lực thúc đẩy hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao;
Ba là: Đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn; xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; tổ chức phong trào thi đua chào mừng Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ V, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam; nâng cao chất lượng công tác nữ công, công tác tài chính, công tác kiểm tra; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch vững mạnh.
Bốn là: Chú trọng phát hiện, lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng tập thể, cá nhân đoàn viên công đoàn tiêu biểu, điển hình từ các phong trào thi đua, bồi dưỡng các nhân tố mới, điển hình mới, những tấm gương có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua trên từng lĩnh vực công tác chuyên môn, công tác công đoàn để làm nòng cốt; tổ chức các hoạt động giao lưu, nêu gương, tuyên truyền rộng rãi về điển hình tiên tiến, về mô hình hay, cách làm hiệu quả tạo, tạo sự lan tỏa đẩy mạnh phong trào thi đua trong từng công đoàn cơ sở và đoàn viên;
Năm là: Đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, thực hiện công khai, dân chủ trong bình xét khen thưởng, có tỷ lệ khen thưởng hợp lý đối với các công đoàn viên là công chức, viên chức, người lao động; Kết hợp giữa tổ chức đánh giá tổ chức công đoàn theo hướng dẫn số 124/HD-CĐVC với chấm điểm thi đua đảm bảo thực chất, khách quan, để đảm bảo công tác thi đua thực sự là động lực to lớn để hoàn thành các nhiệm vụ, là cơ sở để thực hiện công tác khen thưởng, việc khen thưởng phải đạt mục đích “Động viên, giáo dục, nêu gương”;
Sáu là: Nâng cao vai trò của các tổ chức công đoàn cơ sở trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua, công tác khen thưởng, làm tốt vai trò phối hợp với chính quyền, thủ trưởng đơn vị trong đề xuất, bình xét khen thưởng, đảm bảo quyền lợi của các công đoàn viên, qua đó tạo động lực thúc đẩy việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu công tác năm 2018.
Phong trào thi đua năm 2018 được tổ chức thực hiện thường xuyên cả năm, trong đó chia hai đợt cao điểm là:
Đợt 1: Từ ngày 01/01/2018 đến 30/6/2018, với chủ đề “Mừng Đảng, mừng xuân, mừng Đất nước đổi mới”; chào mừng Đại hội V Công đoàn Viên chức Việt Nam, chào mừng kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30/4; Ngày Quốc tế lao động 1/5 và Ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5; kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018). Tổ chức sơ kết cùng với sơ kết công tác công đoàn 06 tháng đầu năm 2018;
Đợt 2: Từ ngày 01/7/2018 đến 31/12/2018, chào mừng Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; 89 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam; 24 năm ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam; chào mừng kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945–02/9/2018); chào mừng 73 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945–28/8/2018). Tổ chức tổng kết cùng với tổng kết công tác công đoàn năm 2018.
Đối với công tác kiểm tra công đoàn năm 2018, Kế hoạch số 34/KH-CĐBTP nêu rõ, mục đích kiểm tra nhằm: Đánh giá đúng thực chất tình hình triển khai và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của tổ chức công đoàn, làm rõ những ưu điểm để phát huy, những tồn tại, hạn chế để khắc phục; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ủy ban kiểm tra góp phần phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn. Bảo đảm công tác thu, chi, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản công đoàn theo đúng quy định. Bảo đảm nguyên tắc và quy trình kiểm tra; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn các cấp, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, lao động.
Nội dung kiểm tra tập trung vào:
Kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI, Luật Công đoàn năm 2012; Nghị quyết Đại hội IV Công đoàn Viên chức Việt Nam và Nghị quyết đại hội Công đoàn Bộ Tư pháp Khóa II;
- Việc triển khai Kế hoạch số 232/KH-CĐVC ngày 25/8/2015 của Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ ngày 03/8/2015 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn;
- Việc thực hiện các Quy chế hoạt động của ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra và ban thanh tra nhân dân;
- Công tác kiểm tra của ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở;
- Việc thực hiện hướng dẫn số 124/HD-CĐVC ngày 06/5/2015 xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và đánh giá chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở;
- Việc thực hiện hướng dẫn số 125/HD-CĐVC ngày 06/5/2015 tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở;
- Công tác phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; hội nghị người lao động;
- Công tác thông tin báo cáo 6 tháng, báo cáo hàng năm.
Kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn
- Việc chấp hành quy chế quản lý tài chính công đoàn và hướng dẫn về công tác tài chính của Công đoàn Viên chức Việt Nam.
- Việc thực hiện chế độ kế toán đối với công đoàn cấp cơ sở. Cụ thể là:
+ Thực hiện việc báo cáo duyệt dự toán, quyết toán ngân sách công đoàn cơ sở đối với Công đoàn bộ;
+ Thực hiện nghiệp vụ thu, nghiệp vụ chi ngân sách công đoàn, mở các sổ sách theo quy định: việc thực hiện các nguyên tắc, quy định về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn; việc thu, chi của Công đoàn cơ sở, tổ công đoàn (công đoàn phí, kinh phí Công đoàn, các khoản đóng góp khác do Công đoàn Bộ và Công đoàn cấp trên chỉ đạo; các nội dung chi kinh phí công đoàn).
+ Kiểm tra việc trích nộp 2% kinh phí Công đoàn.
Kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
- Việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan.
- Việc tổ chức thực hiện nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức hàng năm.
Kiểm tra việc giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Việc tiếp cán bộ, công chức, viên chức, lao động và đoàn viên công đoàn đến khiếu nại, tố cáo theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hướng dẫn số 357/HD-CĐVC ngày 22/12/2014 của Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam.
- Việc giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của công đoàn.
- Việc tham gia với các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, lao động và đoàn viên công đoàn.
- Việc giám sát, theo dõi kết quả giải quyết của các cơ quan, người có thẩm quyền đối với những đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã được tổ chức công đoàn chuyển đến và kiến nghị giải quyết.
Kiểm tra khi tổ chức hoặc đoàn viên có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, chỉ thị, nghị quyết và các quy định của công đoàn
Ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở chủ động tổ chức kiểm tra khi phát hiện tổ chức, đoàn viên có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, chỉ thị, nghị quyết và các quy định của công đoàn.