“Hợp đồng sinh ra không phải để vô hiệu”

09/10/2018
“Hợp đồng sinh ra không phải để vô hiệu”
Hợp đồng được xem là cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia ký kết. Nhằm hạn chế những rủi ro, thiệt hại từ việc hợp đồng bị tuyên là vô hiệu cũng như giúp cho hợp đồng được thực hiện một cách hiệu quả, vừa qua, vào ngày 05/10/2018 Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật (Trung tâm) Cục Công tác phía Nam – Bộ Tư pháp đã tổ chức Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật với chuyên đề “Quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự vô hiệu theo Bộ luật Dân sự năm 2015” tại TP. Hồ Chí Minh.

Tham dự Chương trình là PGS.TS Đỗ Văn Đại – Trưởng Khoa luật Dân sự, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh; Thành viên Hội đồng tư vấn án lệ Tòa án nhân dân tối cao; Trọng tài viên, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học pháp lý Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và sự tham gia bồi dưỡng của các luật sư, chuyên viên pháp lý, lãnh đạo phòng pháp chế đến từ các công ty Luật và các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
PGS.TS Đỗ Văn Đại cho biết “Thời gian qua, việc tuyên bố một hợp đồng dân sự vô hiệu trong thực tiễn là rất phổ biến. Trong đó, chiếm tỷ lệ rất cao là vi phạm về mặt hình thức theo quy định của pháp luật”. Theo ông, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có sự thay đổi đáng kể về vấn đề này so với Bộ luật Dân sự năm 2005. Cụ thể, từ bốn loại hình thức văn bản bắt buộc thì đến nay Bộ luật chỉ quy định còn hai hình thức và điều này đã phần nào khắc phục được những hạn chế trong các quy định trước đây vì “Hợp đồng sinh ra không phải để vô hiệu mà việc vô hiệu hợp đồng chỉ nên được áp dụng trong các trường hợp thật sự cần thiết”.
Ngoài những trường hợp được liệt kê theo Bộ luật Dân sự năm 2015, PGS.TS Đỗ Văn Đại còn cung cấp thêm các thông tin về việc trong thực tiễn hiện nay vẫn tồn tại rất phổ biến việc tuyên hợp đồng vô hiệu nhưng lại không thuộc các trường hợp được liệt kê cụ thể theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, liên quan đến thẩm quyền tuyên hợp đồng vô hiệu “Không ít người cho rằng thẩm quyền tuyên hợp đồng vô hiệu chỉ thuộc về cơ quan Tòa án, nhưng điều này là hoàn toàn không đúng. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2015 cho thấy đây không chỉ là thẩm quyền của Tòa án mà còn có thể thuộc về các tổ chức trọng tài và với quy định này, lần đầu tiên thuật ngữ “Trọng tài” đã được chính thức xuất hiện trong Bộ luật Dân sự”.
Thời lượng của Chương trình tuy chỉ được diễn ra trong vòng một ngày, nhưng với những thông tin được truyền đạt mang tính cập nhật cao của báo cáo viên cùng với sự tham gia đặt câu hỏi nhiệt tình của các học viên đối với từng nội dung được báo cáo, chương trình đã nhận được những phản hồi tích cực của các học viên thông qua hoạt động khảo sát đánh giá và đây cũng là nguồn động lực quý báu cho việc xây dựng các nội dung chương trình tiếp theo của Trung tâm.
Kết thúc Chương trình bồi dưỡng, các học viên đã được cấp Giấy Chứng nhận theo quy định./.
Duy Tồn