Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT tại TP Hồ Chí Minh

08/09/2018
Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT tại TP Hồ Chí Minh
Trong khuôn khổ hợp tác với Chính phủ Nhật Bản về “Dự án Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020”, nhằm triển khai các hoạt động xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; trao đổi thông tin về tình trạng pháp lý của quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (thay thế Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT), ngày 07 tháng 9 năm 2018, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Dự án JICA) tổ chức Toạ đàm góp ý dự thảo Thông tư nêu trên tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tọa đàm do ông Phạm Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chủ trì. Tham dự Tọa đàm, về phía chuyên gia Dư án Jica, ông Mitsushi Edagawa - Chuyên gia pháp lý của dự án Jica; về phía Việt Nam có các đại biểu đại diện cho một số Văn phòng đăng ký đất đai, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố.
 

Thay mặt cho đơn vị soạn thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ của Cục Đăng ký đã trình bày sự cần thiết ban hành và những nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư. Theo đó, cần sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT nhằm đảm bảo phù hợp với nội dung của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP nói riêng và Bộ luật dân sự năm 2015 cũng như pháp luật có liên quan nói chung, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và trao đổi thông tin về tình trạng pháp lý của quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phù hợp với những quy định tại các văn bản pháp luật mới ban hành; tạo cơ chế thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp thực hiện công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi thực hiện các giao dịch về dân sự, kinh tế, thương mại, hạn chế tối đa các tranh chấp xảy ra. Trên cơ sở đó, chuyên gia và các đại biểu tham dự tọa đàm bình luận và đưa ra các khuyến nghị xây dựng, hoàn thiện dự thảo Thông tư trong thời gian tới.


Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trảo đổi, thảo luận, góp ý trực tiếp đối với một số nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư như: Những vướng mắc gặp phải trong thực tiễn áp dụng các quy định của Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT- BTP-BTNMT, những nội dung liên quan đến việc từ chối đăng ký của Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh, đăng ký thay đổi trong trường hợp định giá lại tài sản bảo đảm….
 
Tọa đàm cũng nghe các chuyên gia Nhật Bản giới thiệu tổng quan về quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về đăng ký bất động sản ở Nhật Bản. Theo đó, hệ thống pháp luật về đăng ký tà sản của Nhật Bản được quy định trong hai văn bản lớn là Bộ luật dân sự và Luật đăng ký; trước đây, Nhật Bản cũng cấp Giấy chứng nhận (sổ đỏ) như Việt Nam nhưng nay đã bỏ quy định đó; việc đăng ký bất động sản ở Nhật Bản là không bắt buộc mà đăng ký tự nguyện, việc đăng ký chỉ có giá trị đối kháng với bên thứ ba. Bên cạnh đó, các chuyên gia Nhật Bản cũng cho ý kiến trực tiếp đối với một số nội dung của dự thảo Thông tư. Cụ thể, các chuyên gia cho rằng, một số nội dung của dự thảo Thông tư nên được quy định trong Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm như quy định tại Điều 13 của dự thảo Thông tư về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai và quy định tại Điều 20 của dự thảo Thông tư về trao đổi thông tin giữa Cơ quan thi hành án dân sự với Văn phòng đăng ký đất đai; đồng thời, các chuyên gia Nhật Bản cũng góp ý về một số kỹ thuật soạn thảo Thông tư.

Trên cơ sở kết quả của buổi Tọa đàm, ông Phạm Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Đăng ký thay mặt cho đơn vị chủ trì khẳng định, những ý kiến của các đại biểu và các chuyên gia tham dự Tọa đàm sẽ được nhóm xây dựng dự thảo Thông tư nghiên cứu, tiếp thu và tiếp tục chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Thông tư.


Việt Phương - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm