Hội thảo Tăng cường cơ chế giám sát thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

01/08/2018
Hội thảo Tăng cường cơ chế giám sát thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
Trong khuôn khổ hợp tác với Viện Konrad Adenauer Stiftung, Cộng hòa Liên bang Đức (Viện KAS), ngày 26/7/2018, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Viện KAS tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng cường cơ chế giám sát thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính”. Được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Cục QLXLVPHC&TDTHPL), Bộ Tư pháp chủ trì Hội thảo. Về phía Viện KAS, bà Nguyễn Minh Tuyến, Quản lý Văn phòng Viện KAS tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành Trung ương (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công an; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nội vụ; Bộ Công thương; Bộ Xây dựng và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp…); Đoàn Đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân; Sở Tư pháp một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Kiên Giang, Gia Lai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL nhấn mạnh, vai trò, ý nghĩa pháp lý của việc giám sát công tác xử lý vi phạm hành chính, coi đó là một trong những phương thức quan trọng nhằm bảo đảm cho các quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm minh, thống nhất; góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thực thi pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, hiện nay, cả về mặt lý luận và thực tiễn, đây cũng là vấn đề đã và đang đặt ra một số bất cập, thách thức cần phải tiếp tục nghiên cứu để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cơ chế này đối với công tác xử lý vi phạm hành chính.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe một số tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học dưới góc nhìn và phạm vi đánh giá khác nhau như: Tổng quan thực trạng thực hiện các quy định của Luật XLVPHC; Vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của Đại biểu Quốc hội trong việc giám sát thực hiện Luật XLVPHC; Thực tiễn giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương; Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong giám sát công tác xử lý vi phạm hành chính;...
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận sôi nổi về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai công tác giám sát thi hành Luật XLVPHC và đưa ra những kiến nghị, đề xuất để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát việc thực hiện Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông qua việc trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự Hội thảo, Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực để tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp,  tham mưu đề xuất Lãnh đạo Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện, tăng cường hiệu quả của cơ chế giám sát thi hành Luật XLVPHC trong thời gian tới./.
Cục Quản lý XLVPHC và Theo dõi THPL