Hội nghị giao ban công tác pháp chế và tập huấn nghiệp vụ công tác pháp chế khu vực phía Nam

18/07/2018
Hội nghị giao ban công tác pháp chế và tập huấn nghiệp vụ công tác pháp chế khu vực phía Nam
Vừa qua, tại Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Dự án Mục tiêu Xã hội trong Tăng trưởng xanh bền vững tại Việt Nam (GIZ) tổ chức Hội nghị công tác pháp chế năm 2018 và tập huấn nghiệp vụ đánh giá tác động chính sách trong xây dựng pháp luật cho người làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế các Sở Tư pháp, Sở Nội vụ và Sở Tài chính khu vực phía Nam. Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp; ông Micheal Krakowski, Giám đốc Chương trình Tăng trưởng Xanh, Cố vấn trưởng Dự án Mục tiêu Xã hội trong Tăng trưởng xanh bền vững tại Việt Nam (GIZ); ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đồng chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, 6 tháng đầu năm 2018 công tác pháp chế các địa phương đạt được nhiều kết quả, nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương. Trong công tác xây dựng văn bản QPPL, sáu tháng đầu năm 2018 một số địa phương đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành danh mục các VBQPPL quy định chi tiết các nội dung được giao; nghị quyết chi cho công tác văn bản; xây dựng quy chế soạn thảo, ban hành và rà soát, hệ thống hoá, kiểm tra, xử lý VBQPPL; tập huấn, bồi dưỡng về Luật ban hành VBQPPL; tích cực kiểm tra công tác văn bản tại Sở ngành, quận, huyện. Việc xây dựng, góp ý, thẩm định, kiểm tra, cập nhật văn bản vào cơ sở dữ liệu quốc gia được các địa phương thực hiện tốt. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện ngày càng bài bản và có hiệu quả hơn với nhiều hình thức phổ biến đa dạng đến các đối tượng chịu sự tác động của pháp luật. Công tác quản lý XLVPHC và TDTHPL tiếp tục được chú trọng, công tác quản lý XLVPHC và công tác thống kê về XLVPHC bước đầu đi vào nền nếp và có kết quả. Các địa phương đã ban hành Kế hoạch TDTHPL năm 2018, trong đó tập trung theo dõi lĩnh vực trọng tâm. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác pháp chế các địa phương vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc sau: Việc thực hiện Luật ban hành VBQPPL 2015 còn nhiều lúng túng như việc xây dựng nội dung báo cáo đánh giá tác động của văn bản; việc tự kiểm tra VBQPPL ở nhiều địa phương còn chưa theo kịp được tiến độ ban hành văn bản; các điều kiện đảm bảo cho công tác XLVPHC chưa đảm bảo, nhân sự thiếu, kiêm nhiệm; nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đôi khi chưa sát với đối tượng và nhu cầu, hình thức chưa thực sự đổi mới, việc xã hội hóa còn nhiều khó khăn; công tác TDTHPL còn lúng túng, chưa phản ánh đúng những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật tại địa phương; việc thành lập và củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế ở các địa phương còn rất hạn chế, một loạt các Phòng Pháp chế đã được thành lập trước đây đã bị giải thể. Bên cạnh đó, báo cáo cũng tập trung làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và đề ra 7 định hướng trọng tâm trong công tác pháp chế 6 tháng cuối năm 2018.
Tại Hội nghị, các đại biểu được các chuyên gia của Bộ Tư pháp và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập huấn về nghiệp vụ đánh giá tác động của chính sách đối với 05 lĩnh vực: kinh tế, xã hội, hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính và về giới.
Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong việc đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, đại diện Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương còn thường xuyên thay đổi từ đó công tác xây dựng, đánh giá chính sách phải “chạy theo” các quy định hiện hành, dự thảo chính sách phải điều chỉnh liên tục cho phù hợp với quy định của cấp trên, điều này vô hình chung gây khó cho địa phương vì quá trình xây dựng chính sách phải rất mất nhiều thời gian, công sức nhưng phải làm lại từ đầu khi quy định của Trung ương có thay đổi. Kể cả khi đã được ban hành, các chính sách của địa phương cũng khó mang tính ổn định, từ đó, ảnh hưởng đến việc đề ra các chính sách dài hạn và tính nhất quán trong việc thực thi chính sách của Thành phố.
Chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản QPPL, đại diện Sở Tư pháp Lâm Đồng cho biết, do kinh phí được cấp chung trong chi thường xuyên theo định mức của từng cơ quan, đơn vị nên Sở Tư pháp không đủ kinh phí để thực hiện các hoạt động như ký hợp đồng kiểm tra văn bản; tổ chức tập huấn cũng như tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về xây dựng, kiểm tra văn bản QPPL cho đội ngũ cán bộ pháp chế và người làm công tác xây dựng pháp luật tại các cơ quan, đơn vị và tham gia các lớp tập huấn liên quan đến đánh giá tác động chính sách do Bộ Tư pháp tổ chức, do đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng công tác xây dựng văn bản QPPL ở địa phương...
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung, trao đổi thảo luận và đưa ra các đề xuất, kiến nghị để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế và công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới./.
                                                          Vụ Các vấn đề chung về XDPL