Hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành bảo đảm thực thi thông suốt hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp

11/07/2018
Hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành bảo đảm thực thi thông suốt hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp
Thực hiện Quyết định số 97/QĐ-BTP ngày 20/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc giao nhiệm vụ nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Bộ năm 2017, ngày 10/7/2018, Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức Hội thảo khoa học góp ý các chuyên đề thuộc Đề tài “Hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành bảo đảm thực thi thông suốt hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp”. Hội thảo do ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ban, ngành các cơ quan trung ương, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp, các chuyên gia, nhà khoa học, các cộng tác viên của Đề tài. Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, cộng tác viên và các đại biểu đã cùng nhau phân tích, đánh giá toàn diện về nội dung dự thảo các chuyên đề của đề tài liên quan đến cơ chế phối hợp liên ngành trong việc triển khai công tác theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp.
Với bề dày hơn 70 năm, trải qua nhiều biến cố và thăng trầm của lịch sử, công tác tư pháp đã không ngừng phát triển, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng, có những đóng góp không nhỏ vào thắng lợi chung của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Ngành Tư pháp Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận, phong tặng nhiều phần thưởng cao quý. Có được những thành tựu to lớn như vậy, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng không ngừng của toàn Ngành, cần phải kể đến sự đồng hành, kề vai sát cánh, trách nhiệm, sự chia sẻ của tất cả các cơ quan, tổ chức có liên quan từ trung ương đến địa phương.
Trong điều kiện tình hình hiện nay, yêu cầu về xây dựng nhà nước pháp quyền, thực thi Hiến pháp 2013, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính... đã và đang đặt ra cho Bộ, Ngành Tư pháp nhiều nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan. Mục tiêu của Đề tài góp phần làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp; đánh giá thực trạng công tác phối hợp liên ngành hiện nay, những tồn tại hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành nhằm đáp ứng những yêu cầu đặt ra hiện nay.

Kết quả Hội thảo sẽ góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về những nội dung cơ bản của đề tài, trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo, Ban chủ nhiệm và các thành viên nghiên cứu đề tài sẽ hoàn thiện thêm để đảm bảo nội dung đề tài có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn trước khi nghiệm thu.