Đoàn công tác của Bộ Tư pháp tham dự Phiên họp lần thứ 123 của UB Nhân quyền về Công ước ICCPR

06/07/2018
Đoàn công tác của Bộ Tư pháp tham dự Phiên họp lần thứ 123 của UB Nhân quyền về Công ước ICCPR
Thực hiện Kế hoạch hoạt động đối ngoại cấp Vụ của Bộ Tư pháp năm 2018 ban hành kèm theo Quyết định số 278/QĐ-BTP ngày 12/2/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ tham dự Phiên họp lần thứ 123 của Uỷ ban Nhân quyền về Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) diễn ra từ ngày 2 – 7/7/2018 tại Geneva, Thuỵ Sỹ. Đoàn công tác của Bộ Tư pháp gồm bà Nguyễn Linh Kha, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế và một số cán bộ trực tiếp tham gia xây dựng Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước ICCPR.
Năm 2017, Việt Nam đã hoàn thành và nộp Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị lần thứ 3 (Báo cáo ICCPR) tới Uỷ ban Nhân quyền. Báo cáo ICCPR của Việt Nam dự kiến được xem xét vào tháng 3 năm 2019. Do vậy, việc tham dự các phiên công khai xem xét Báo cáo ICCPR của các quốc gia khác là rất cần thiết, giúp Bộ Tư pháp có thêm kinh nghiệm, nắm bắt các thông tin, vấn đề nhận được sự quan tâm của Uỷ ban Nhân quyền; từ đó hỗ trợ việc chuẩn bị các công việc cần thiết cho việc bảo vệ Báo cáo ICCPR trong thời gian tới.
Tại Phiên họp 123, Uỷ ban Nhân quyền đã xem xét Báo cáo ICCPR của ba quốc gia gồm Bahrain (báo cáo lần đầu), Algieri (báo cáo lần thứ tư) và Gambia. Tại Phiên họp của Bahrain và Algieri, Uỷ ban đã tập trung thảo luận, trao đổi các vấn đề liên quan đến các quyền tự do ngôn luận; quyền tự do hội họp; quyền chống tra tấn; quyền của LGBT, người tị nạn, người không quốc tịch; việc áp dụng án tử hình; lao động cưỡng bức; tình trạng phân biệt đối xử; biện pháp giải quyết tình trạng mua bán người, bảo vệ phụ nữ và trẻ em; quyền xét xử công bằng (tính độc lập của Toà án, quy trình khiếu nại, tham nhũng trong các cơ quan tiến hành tố tụng); sự tham gia của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số vào đời sống chính trị, xã hội… Thông qua việc tham dự các Phiên họp này, Bộ Tư pháp đã thu thập thêm kinh nghiệm thực tiễn về trình tự, thủ tục, thời lượng cũng như cách thức trả lời các câu hỏi của Ủy ban Nhân quyền. Ngày cuối cùng, Đoàn công tác sẽ tiếp tục tham dự Phiên xem xét công khai đối với Báo cáo của Gambia.
Bên lề các phiên họp, Đoàn công tác cũng đã gặp và trao đổi với Chủ tịch Uỷ ban Nhân quyền, ông Yuval Shany (người vừa được bầu thay ông chủ tịch cũ Yuji Iwasawa). Ông Yuval Shany đánh giá cao việc Việt Nam đã chủ động tham gia các phiên họp để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn cần thiết cho việc bảo vệ Báo cáo, thể hiện tinh thần cầu thị của Việt Nam. Tại buổi gặp, bà Nguyễn Linh Kha đã có trao đổi về các vấn đề liên quan đến Báo cáo ICCPR, nêu ra các vướng mắc về thủ tục cũng như đề nghị chia sẻ thêm kinh nghiệm trong quá trình xây dựng văn bản phản hồi Danh sách các vấn đề của Ủy ban cũng như chuẩn bị và trình bày tại phiên bảo vệ Báo cáo. Ông Yuval Shany đã có phản hồi lại đối với các câu hỏi của Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc nên trình bày các thông tin, số liệu rõ ràng cụ thể tại phiên bảo vệ Báo cáo, làm cơ sở để Uỷ ban đưa ra các khuyến nghị nhằm thực hiện tốt hơn Công ước ICCPR trong thời gian tới tại Việt Nam.
Trong chuyến công tác này, Đoàn công tác cũng đã có buổi làm việc với Đại sứ Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva. Đại sứ Dương Chí Dũng đã chia sẻ thông tin về một số vấn đề liên quan đến công tác quyền con người cũng như việc chuẩn bị các công tác cần thiết cho việc bảo vệ một số Báo cáo quốc gia về quyền con người trong thời gian tới (đặc biệt là Báo cáo ICCPR và Báo cáo UPR chu kỳ 3). Tại buổi làm việc, Đại sứ cũng đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp giữa Phái đoàn và các Bộ, ngành có liên quan trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến quyền con người, chú trọng đến những vấn đề nhận được sự quan tâm lớn trong thời gian vừa qua./.
                                      Đoàn công tác Bộ Tư pháp tại Thuỵ Sỹ