Bộ Tư pháp: Đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất sửa đổi Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về TDTHTH pháp luật

28/05/2018
Bộ Tư pháp: Đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất sửa đổi Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về TDTHTH pháp luật
Trong khuôn khổ hỗ trợ của Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chiều ngày 25/5/2018, Bộ Tư pháp đã tổ chức đánh giá kết quả thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và đề xuất những nội dung sửa đổi đối với Nghị định nêu trên. Đồng chí Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Cục QLXLVPHC&TDTHPL) chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện USAID Việt Nam, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại Hội nghị, đồng chí Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp đã báo cáo kết quả thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 những năm qua, trong đó tập trung phân tích các vướng mắc, bất cập của Nghị định và đề xuất, định hướng những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung để các đại biểu thảo luận, cho ý kiến. Tiếp đó, Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Hữu Trúc - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang trình bày tham luận “Một số đề xuất hoàn thiện tiêu chí theo dõi và đánh giá tình hình thi hành pháp luật”, theo đó việc xác định tiêu chí đánh giá tính khả thi của chính sách, văn bản cần gắn với việc xác định tiêu chí khả năng phản ứng chính sách của cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống thông tin cập nhật thường xuyên làm đầu vào cho việc đánh giá định tính và định lượng việc thi hành pháp luật, từng bước chuyển từ đánh giá theo quy trình sang đánh giá theo tiêu chí tác động đầu ra. Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tình - Trưởng phòng Phòng QLXLVPHC&TDTHPL, Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam cho rằng, để hoạt động theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện hiệu quả cần phải sớm ban hành Luật về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của Sở Tư pháp, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, cũng như cơ chế phối hợp, trách nhiệm phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cơ quan chuyên môn, giữa các cơ quan chuyên môn với nhau; giữa các cơ quan chuyên môn với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với Uỷ ban mặt trận tổ quốc, các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động theo dõi thi hành pháp luật.

Các đại biểu dự Hội nghị bày tỏ đồng tình, đánh giá cao những phân tích và dự kiến nội dung sửa đổi Nghị định của Cục QLXLVPHC&TDTHPL. Đồng chí Bùi Thị Thúy Bình - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình cho biết, kinh phí của công tác theo dõi thi hành pháp luật ở địa phương là rất hạn chế, do vậy Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2012/NĐ-CP cần phải giải quyết được vấn đề kinh phí cho công tác tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật. Đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Lê Ngọc Minh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng công tác theo dõi thi hành pháp luật muốn tốt trước hết phải hoàn thiện về mặt thể chế. Ở tỉnh Thanh Hoá, UBND quan tâm đến công tác theo dõi thi hành pháp luật, dành một khoản kinh phí riêng cho công tác này, tuy nhiên các quy định về nội dung, tiêu chí theo dõi thi hành pháp luật vẫn còn chung chung, chưa thực sự rõ ràng, cụ thể. Cùng quan điểm với các đại biểu, đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, TP Hà Nội cũng đã tập trung cho ý kiến về những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung để có thể giải quyết triệt để các vấn đề có liên quan phát sinh trong thực tiễn thi hành Nghị định 59/2012/NĐ-CP.
Phát biểu kết luận, đồng chí Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp đã cảm ơn và ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi có chất lượng của các đại biểu tham dự Hội nghị. Việc hoàn thiện thể chế về công tác tổ chức thi hành pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng, trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP với cách tiếp cận mới, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hiện nay./.
Cục QLXLVPHC và TDTHPL