Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển

11/05/2018
Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển
Ngày 10/5/2018, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị do đồng chí Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì cùng với sự tham dự của đại diện UBND và các sở, ban, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh; Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp quận và cấp Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; các doanh nghiệp; các tổ chức, hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp; một số luật sư, chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực xây dựng pháp luật; các cơ quan thông tấn báo chí…
     Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL giới thiệu khái quát về công tác xây dựng Bộ pháp điển. Cụ thể: Ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL. Theo đó, pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các QPPL đang còn hiệu lực trong các văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành để xây dựng Bộ pháp điển. Sau gần 05 năm triển khai thực hiện, công tác pháp điển hệ thống QPPL đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 87/265 đề mục, trong đó có 67 đề mục đã được Chính phủ phê duyệt thông qua. Để các cá nhân, tổ chức sớm tiếp cận với Bộ pháp điển, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tuyên truyền, giới thiệu kết quả pháp điển đến đối tượng chịu sự tác động của các QPPL thuộc 67 đề mục nêu trên.
 

     Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Trưởng phòng phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL đã giới thiệu về Bộ pháp điển, hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển và những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 13/6/2017 và Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 18/01/2018 của Chính phủ. Cụ thể, Bộ pháp điển được xây dựng theo quy định tại Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL là Bộ pháp điển chính thức của Nhà nước, được sử dụng để tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật; “Pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển”; Bộ pháp điển gồm 45 chủ đề. Cấu trúc của Bộ pháp điển được thiết kế theo hình cây từ chủ đề đến đề mục. Mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có với 265 đề mục thuộc 45 chủ đề); Mỗi đề mục được pháp điển từ nhiều văn bản cùng điều chỉnh về một nhóm quan hệ xã hội cụ thể - trong đó có một văn bản có giá trị pháp lý cao nhất như Bộ luật, luật hay các văn bản dưới luật không đầu; Cấu trúc của đề mục dựa trên cấu trúc của văn bản có giá trị pháp lý cao nhất - có thể có các phần, chương, mục, tiểu mục.
     Về tình hình xây dựng Bộ pháp điển, đồng chí Nguyễn Duy Thắng cho biết: Theo Đề án xây dựng Bộ pháp điển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Pháp điển có lộ trình xây dựng trong 10 năm từ 2014 đến 2023 và chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014 - 2017) hoàn thành 22 đề mục; Giai đoạn 2 (2018 - 2020) hoàn thành 144 đề mục và Giai đoạn 3 (2021 - 2023) hoàn thành 99 đề mục. Tuy nhiên, Trên tinh thần thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản ổn định, liên quan đến quyền lợi của cá nhân doanh nghiệp, Bộ Tư pháp cùng một số bộ, ngành đã thực hiện xong 87 đề mục. Trong đó, Chính phủ đã thông qua kết quả pháp điển 67 đề mục và chính thức đưa vào khai thác, sử dụng công khai trên mạng internet (vượt hơn 300% so với tiến độ theo Đề án xây dựng Bộ pháp điển); dự kiến năm 2018 pháp điển xong thêm khoảng 50/265 đề mục). Với tiến độ pháp điển các đề mục như hiện nay, việc xây dựng và hoàn thành Bộ pháp điển có thể “về đích sớm” (phấn đấu hoàn thành vào năm 2020). Đồng thời, qua việc pháp điển 67 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được gần 2 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 10 nghìn văn bản QPPL của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực.
 

     Đặc biệt, tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thắng giới thiệu, hướng dẫn chi tiết cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển điện tử. Cụ thể, Bộ pháp điển được đăng công khai trên môi trường mạng internet (cụ thể là trên Cổng thông tin điện tử pháp điển - http//www.phapdien.moj.gov.vn - Cổng thông tin điện tử pháp điển là nơi chính thức đăng tải, cập nhật, phổ biến Bộ pháp điển và là kênh giao tiếp, trao đổi thông tin về nghiệp vụ thống nhất giữa tất cả các cơ quan nhà nước có nhiệm vụ pháp điển hệ thống QPPL, giữa các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước với Bộ Tư pháp cũng như các cơ quan thực hiện pháp điển). Hiện nay, Bộ pháp điển điện tử gồm 2 cấu phần chính gồm: Cấu phần thứ nhất hiển thị về cấu trúc của Bộ pháp điển gồm tên, vị trí các chủ đề, đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục và điều của Bộ pháp điển (gọi là Phần cấu trúc của Bộ pháp điển); Cấu phần thứ hai hiển thị về nội dung của điều, tiểu mục, mục, chương, phần, đề mục trong Bộ pháp điển (gọi là Phần nội dung của Bộ pháp điển). Bộ pháp điển hiển thị ban đầu gồm tên 45 chủ đề. Các chủ đề được sắp xếp theo trật tự quy định tại Điều 7 Pháp lệnh pháp điển. Khi click con chỏ vào tên một chủ đề thì hiện ra tên của các đề mục thuộc chủ đề đó. Khi click con chỏ vào tên một đề mục thì hiện ra tên của các Phần trong Đề mục đó (nếu có). Khi click con chỏ vào tên một Phần thì hiện ra tên của các Chương trong Phần đó (nếu có). Khi click con chỏ vào tên một Chương thì hiện ra tên của các Mục trong Chương đó (nếu có). Khi click con chỏ vào tên một Mục thì hiện ra tên của các Tiểu mục trong Mục đó (nếu có). Khi click con chỏ vào tên một Tiểu mục thì hiện ra tên của các Điều thuộc cấu trúc của đề mục đó. Khi click con chỏ vào tên Điều thuộc cấu trúc của đề thì hiện ra tên của các Điều pháp điển vào Điều đó (nếu có). Khi click con chỏ vào tên Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trực tiếp trong đề mục đó thì hiện ra tên các Điều được pháp điển vào điều đó. Khi muốn xem nội dung của đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều thì click vào cụm từ “xem chi tiết” ngay bên cạnh đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều tương ứng. Ngoài ra, trong Bộ pháp điển còn có các tính năng tìm kiếm theo chủ đề, đề mục hoặc theo cụm từ giúp người dùng thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật.
     Cũng tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đánh giá cao về sự cần thiết xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước và đặc biệt ghi nhận Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển một cách hiệu quả, chất lượng, vượt tiến độ đề ra giúp Bộ pháp điển sớm đi vào cuộc sống QPPL đồng thời đóng góp một số ý kiến về việc nâng cao tính thân thiện và hiệu quả sử dụng Bộ pháp điển, đẩy mạnh việc triển khai sử dụng Bộ pháp điển trong đời sống xã hội.
     Kết thúc Hội nghị, đồng chí Đồng Ngọc Ba tin tưởng Bộ Pháp điển sau khi đưa vào khai thác, sử dụng sẽ hữu ích đối với nhu cầu tra cứu tìm hiểu về văn bản QPPL của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Sau khi Bộ pháp điển được hoàn thiện, có khoảng hơn 10.000 văn bản QPPL sử dụng để pháp điển là nguồn dữ liệu vô cùng quan trọng trong việc xác định hệ thống văn bản QPPL đang còn hiệu lực. Do đó, việc tuyên truyền sâu rộng Bộ pháp điển tại bộ, ngành, địa phương cũng như toàn thể xã hội là rất cần thiết, có giá trị to lớn trong áp dụng và thực hiện pháp luật./.