Hội thảo: Lý luận về tính ổn định của pháp luật

08/05/2018
Hội thảo: Lý luận về tính ổn định của pháp luật
Hội thảo “Lý luận về tính ổn định của pháp luật” thuộc khuôn khổ của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2018-2019. Đây cũng là hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng ngày khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2018.
Theo Quyết định số 387/QĐ-BTP ngày 07 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Viện Khoa học pháp lý được giao chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ "Tính ổn định của pháp luật Việt Nam: Lý luận, Thực trạng và Giải pháp". Để triển khai đề tài, ngày 07 tháng 5 năm 2018, Viện Khoa học pháp lý đã tổ chức Hội thảo “Lý luận về tính ổn định của pháp luật” với mục đích trao đổi, thảo luận một số vấn đề lý luận liên quan đến nội dung của đề tài. TS. Nguyễn Văn Cương (Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Chủ nhiệm đề tài) chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam như GS.TS. Phan Trung Lý, GS.TS. Trần Ngọc Đường, GS.TS. Hoàng Thế Liên, GS.TS. Lê Hồng Hạnh, GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, TS. Dương Thị Thanh Mai,…; đại diện các cơ quan xây dựng pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước; các trường, viện nghiên cứu; cơ quan báo chí;… cùng toàn thể các cán bộ của Viện Khoa học pháp lý.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 03 vấn đề chính: Quan niệm, tiêu chí đánh giá tính ổn định của pháp luật; Các công cụ bảo đảm và các yếu tố tác động đến tính ổn định của pháp luật; Vị trí, vai trò của tính ổn định của pháp luật và mối quan hệ với các thuộc tính khác của pháp luật. Theo các đại biểu, tính ổn định của pháp luật là một chủ đề khó, đặt ra nhiều thách thức cho nhóm nghiên cứu đề tài. Chính vì vậy, việc nghiên cứu các vấn đề lý luận về tính ổn định cần giải quyết khá nhiều câu hỏi nghiên cứu. Với gần 20 lượt ý kiến trao đổi, tranh luận, các đại biểu đã đề cập đến nhiều nội dung rộng và phức tạp của vấn đề này.
Vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất đó là khái niệm và tiêu chí đánh giá tính ổn định của pháp luật. Theo nhiều đại biểu, ổn định không đồng nhất với bất biến, không thay đổi. Nếu thấy đời sống pháp luật ngắn mà cho rằng đó là không ổn định là không đúng. Đó mới chỉ là hiện tượng chứ chưa phải là bản chất. Đánh giá tính ổn định cần đi sâu tìm hiểu nguyên nhân, bản chất của sự thay đổi đó (giải quyết mối quan hệ giữa nội dung và hình thức). Pháp luật phải bồi đắp giá trị cho nhân loại, cho dân tộc đó, có những giá trị bất biến như dân chủ; cần quan tâm đến các giá trị phổ biến và không nên chỉ nhấn mạnh giá trị đặc thù. Ổn định hay bất biến phải gắn với vấn đề thời gian nhưng thời gian không phải là yếu tố đánh giá duy nhất. Theo đó, tính ổn định gắn chặt với chất lượng của hệ thống pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật. Pháp luật phải phản ánh đúng nhu cầu, thực tế các mối quan hệ xã hội nhưng cũng phải có tính khái quát để bảo đảm không chỉ đúng trong một thời điểm cụ thể mà còn rộng về không gian, dài về thời gian. Cũng theo các đại biểu thì ổn định là sự thống nhất giữa cái thay đổi và không thay đổi trong một thời gian tương đối dài. Điều quan trọng là vấn đề nào cần thiết phải thay đổi.
Theo nhiều ý kiến nêu ra tại Hội thảo, các chính sách chiến lược và giá trị cơ bản của pháp luật cần sự ổn định. Khi xem xét, đánh giá tính ổn định của pháp luật cần xem xét luật đó được ban hành với mục đích gì, phục vụ cái gì? Nếu luật đó không đáp ứng được mục đích ban hành thì nó không ổn định. Pháp luật cần hướng đến lợi ích chung của toàn xã hội, không phải chỉ của một nhóm người nào đó,…
Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Cương trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp nhiệt tình, sâu sắc của các đại biểu tham dự. Ban chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các vấn đề về lý luận để tiếp tục triển khai đề tài trong thời gian tới./.
Trương Hồng Quang