Hỗ trợ pháp lý trong hoạt động khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh

07/12/2017
Hỗ trợ pháp lý trong hoạt động khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh
Thực hiện Quyết định của Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (Chương trình 585) giai đoạn 2015-2020, ngày 06/12/2017, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng đại diện Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh (Văn phòng đại diện) tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp với chuyên đề “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp”.
Cục trưởng Cục Công tác phía Nam đồng thời là Trưởng Văn phòng đại diện – TS. Nguyễn Thanh Bình đã đến tham dự và chủ trì Hội nghị. Các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đã tham gia trình bày tham luận và trao đổi, thảo luận tại hội nghị.
Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp của cả nước nói chung và đặc biệt ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã và đang diễn ra hết sức sôi nổi. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách pháp luật nhằm khuyến khích phong trào khởi nghiệp. Theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích và xây dựng hành lang pháp lý cho quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và phong trào khởi nghiệp nói riêng.
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Thanh Bình cho biết, xu thế chung trong thời gian gần đây là phát triển các doanh nghiệp, đến năm 2020, TP.HCM sẽ có khoảng 500.000 doanh nghiệp. Chính sách phát triển kinh tế tư nhân đã được đặt nền tảng từ Hội nghị Trung ương 5 khóa XII. Đảng và xã hội đang đặt kỳ vọng vào doanh nghiệp khởi nghiệp trong bối cảnh chung của nền kinh tế phát triển và hội nhập quốc tế. Điều này có nhiều thuận lợi, nhưng doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn… Ông mong rằng, các đại biểu tham gia Hội nghị sẽ cùng nhau thảo luận, tìm ra giải pháp để gỡ bỏ các rào cản cho doanh nghiệp phát triển.
Hội nghị nhằm định hướng vào việc trao đổi, khuyến cáo các doanh nghiệp trong hoạt động khởi nghiệp, quản lý rủi ro trong hoạt động của mình và việc thực thi pháp luật; Trao đổi của các đại biểu về chính sách, cơ chế hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; Giới thiệu các cơ chế hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp khởi nghiệp theo quy định hiện hành; đồng thời cùng đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Hội nghị cũng đã lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đề xuất/ kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa trong các vấn đề về pháp lý liên quan đến hoạt động doanh nghiệp khởi nghiệp./.

Út Hạnh