Lập vi bằng của Thừa phát lại góp phần giảm tải khiếu kiện

14/10/2017
Lập vi bằng của Thừa phát lại góp phần giảm tải khiếu kiện
Đây là một trong những đánh giá liên quan đến hiệu quả hoạt động lập vi bằng qua quá trình triển khai chế định Thừa phát lại (TPL) của nhiều đại biểu khi tham dự Tọa đàm về việc lập vi bằng và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động của TPL do Bộ Tư pháp vừa tổ chức.

Đề xuất nên coi vi bằng là chứng cứ
Theo Phó Trưởng Phòng quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp TP Hà Nội) Nguyễn Xuân Quỳnh: Sau gần 4 năm triển khai thực hiện chế định TPL tại TP Hà Nội – từ tháng 2/2014 đến nay, hoạt động TPL đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố đón nhận và đạt được những hiệu quả nhất định, đặc biệt là hoạt động lập vi bằng các lĩnh vực trong đời sống xã hội. “Việc lập vi bằng đã góp phần đáng kể trong việc ngăn ngừa và giảm tải các vụ việc khiếu kiện không đáng có giữa các tổ chức với tổ chức, giữa tổ chức với cá nhân và ngược lại. Đó là hướng đi đúng đắn trong cải cách tư pháp theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước” – ông Quỳnh nhận định.
Tuy nhiên, về quy định “vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, hành chính; là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật” tại Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của TPL, ông Quỳnh kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu bổ sung thêm nội dung vi bằng có thể được sử dụng làm chứng cứ trong việc giải quyết xét xử các vụ án hình sự. Ông Quỳnh lý giải, thực tế một số vụ việc hình sự sẽ có những việc liên quan đến dân sự như lập vi bằng về sự kiện, hành vi tranh chấp trong xây dựng mà trong khi lập vi bằng các bên có thể xô xát, đánh nhau dẫn đến chết người.

Đồng tình, Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình Nguyễn Văn Lạng dẫn ra một số quy định hiện hành về giá trị pháp lý của vi bằng. Theo đó, Điều 28 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP quy định: “1. Vi bằng có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; 2. Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật”. Hay khoản 9 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2014 nêu: “Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định”
Từ những quy định trên, theo ông Lạng, cũng giống văn bản công chứng, chứng thực thì văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý (tức vi bằng) do người có chức năng lập tại chỗ (ở đây là TPL) nếu được tiến hành theo đúng thủ tục mà pháp luật quy định đều được coi là chứng cứ. “Khi xây dựng Nghị định mới về TPL, phần quy định về giá trị pháp lý của vi bằng nên giữ như quy định tại Điều 28 nói trên” – ông Lạng đề xuất.
Nguồn chứng cứ để người dân bảo vệ quyền dân sự
Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự (VKSNDTC) Nguyễn Chí Dũng lại cho rằng, quy định về giá trị pháp của vi bằng như Dự thảo Nghị định – chỉ là nguồn chứng cứ - là hợp lý, bởi nguồn chứng cứ sẽ trở thành chứng cứ khi được cơ quan tố tụng sử dụng. Ông Dũng dẫn chứng, có những giao dịch nhà đất trị giá thực tế vài chục tỷ (được lập vi bằng về việc giao nhận tài sản), nhưng hợp đồng công chứng chỉ lập theo giá trị thành phố quy định. “Vậy có phi pháp không? Nếu quy kết kiểu này thì công chứng phải đến cơ quan điều tra làm việc” – ông Dũng nói và quan niệm vi bằng là văn bản ghi nhận một sự kiện có thật để đề phòng tranh chấp. Do vậy, theo ông Dũng, giá trị của vi bằng chỉ nên có giá trị giữa 2 bên với nhau, hai bên giao nhận tài sản tự chịu trách nhiệm với nhau.

Chủ trì hội thảo, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (BộTư pháp) Đỗ Hoàng Yến chia sẻ: Thời gian qua, việc lập vi bằng và coi vi bằng là nguồn chứng cứ đã có tác động lớn đến đời sống dân sự, giúp người dân có thêm nguồn chứng cứ để bảo vệ quyền dân sự của mình. Người dân ngày càng biết đến và mong muốn sử dụng vi bằng như một dịch vụ, công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.
Tuy nhiên, do thời gian đầu thực hiện thí điểm, pháp luật chưa hoàn thiện nên còn những bất cập trong việc lập vi bằng. Ví dụ, tại TP HCM có trường hợp TPL lập vi bằng bán nhà đất khi không đủ điều kiện công chứng hoặc che giấu giao dịch giả cách, thậm chí giải thích cho người dân là có thể mua bán bằng việc vi bằng… Bởi thế, bà Yến cho rằng, cần nhận thức rõ ràng là vi bằng được lập để ghi nhận sự kiện, hành vi nhưng phải là sự kiện, hành vi không vi phạm pháp luật và vi bằng do TPL lập là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu xét thấy cần thiết, tòa án, việc kiểm sát có thể triệu tập TPL để làm rõ tính xác thực của vi bằng.
H.Thư