Góp ý dự thảo Sổ tay hướng dẫn xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

28/07/2017
Góp ý dự thảo Sổ tay hướng dẫn xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2017, được sự hỗ trợ của Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID/GIG), ngày 25/7/2017, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo góp ý Sổ tay hướng dẫn xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với sự tham dự của đại diện Sở Tư pháp 30 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; đại diện Phòng Tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật trình bày nội dung cơ bản của Sổ tay hướng dẫn xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó tập trung hướng dẫn về điểm số và cách tính điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật; điều kiện, thẩm quyền công nhận. Đồng chí Nguyễn Thị Thạo, Trưởng phòng đã trình bày về quy trình, nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, quản lý nhà nước và việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Có 20 lượt đại biểu phát biểu đều thống nhất về sự cần thiết biên soạn, phát hành Sổ tay để hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Quyết định số 619/QĐ-TTg áp dụng thống nhất trong cả nước, gắn kết với xây dựng nông thôn mới. Hội thảo đã sôi nổi trao đổi, góp ý dự thảo Sổ tay với mong muốn Sổ tay thực sự là cẩm nang “cầm tay chỉ việc” cho công chức tham mưu về công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó tập trung cho ý kiến đối với nội dung các vấn đề chung về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hướng dẫn cách tính điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật; quy trình, nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Bên cạnh đó, các đại biểu còn mong muốn Sổ tay cần được mô hình hóa các quy trình, thủ tục để dễ áp dụng. Một số đại biểu đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc ở địa phương, cơ sở trong việc chuẩn bị triển khai nhiệm vụ này, vấn đề gắn kết giữa đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với đánh giá xã đạt nông thôn mới. Đồng chí chủ trì Hội thảo đã trả lời, giải đáp thỏa đáng, cụ thể các ý kiến của đại biểu.

Các ý kiến đóng góp bổ ích, trách nhiệm của các đại biểu dự Hội thảo là cơ sở quan trọng để cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Sổ tay và phát hành về địa phương, cơ sở.
 
                                                    Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật