Những việc cần làm ngay để cải thiện xếp hạng thi hành án dân sự Việt Nam trong “Doing Business”

07/04/2017
Những việc cần làm ngay để cải thiện xếp hạng thi hành án dân sự Việt Nam trong “Doing Business”
Năm 2016, “Doing Business” - báo cáo đánh giá thường niên của Ngân hàng thế giới (World Bank) về môi trường đầu tư kinh doanh của 190 nền kinh tế thế giới, xếp hạng nền kinh tế Việt Nam tại vị trí 82. Một chỉ báo cũng đáng chú ý là thời gian trung bình thực thi một phán quyết Việt Nam là 150 ngày/tổng thời gian giải quyết một vụ tranh chấp là 400 ngày. Thứ hạng của Việt Nam trong khối các các nền kinh tế ASEAN như sau: Singapore (40 ngày), Brunei (90 ngày), Malaysia (120 ngày), Thailand (120 ngày), Lao PDR (135 ngày), Vietnam (150 ngày), Cambodia (170 ngày), Indonesia (180 ngày), Philipines (204 ngày) và Myanmar (180 ngày).
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 19-2017 của Chính phủ vừa qua yêu cầu cần “rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng từ 400 ngày xuống 300 ngày trong năm 2017 và dưới 200 ngày đến năm 2020”. Bài viết này sẽ tập trung phân tích phương pháp xếp hạng của Ngân hàng thế giới trong hoạt động thực thi phán quyết của toà án và đề xuất một số biện pháp cụ thể để rút ngắn thời gian, góp phần cải thiện xếp hạng hoạt động giải quyết tranh chấp trong báo cáo thường niên của Ngân hàng thế giới.
1. Phương pháp xếp hạng của Ngân hàng thế giới
1.1. Vụ việc giả thiết
Việc xếp hạng hoạt động thực thi phán quyết của toà án được Ngân hàng thế giới đánh giá qua một vụ việc giả thiết. Các dữ liệu cụ thể của vụ việc như sau:
“Hai công ty cùng là công ty trong nước là Bên bán và Bên mua trong một thương vụ, đi đến ký kết một hợp đồng mua bán một số hàng theo đặt hàng riêng của Bên mua. Bên bán đồng ý bán cho Bên mua và Bên mua đồng ý mua số hàng của Bên bán. Tuy nhiên, sau khi chuyển hàng đến, Bên mua cho rằng số hàng đó không đạt chất lượng và từ chối trả tiền. Bên bán khẳng định số hàng đó là đạt chất lượng và yêu cầu Bên mua trả số tiền theo giá hợp đồng. Do số hàng được sản xuất theo đặt hàng riêng của Bên mua nên Bên bán không thể bán chúng cho Bên thứ ba. Do Bên mua từ chối trả tiền, Bên bán khởi kiện Bên mua. Toà án phán quyết Bên bán đúng 100% và yêu cầu Bên mua phải trả tiền theo giá hợp đồng.
1. Cả Bên bán và Bên mua đều là các công ty trong nước, đặt trụ sở tại một “Thành phố được khảo sát”.
Tại Việt Nam “Thành phố được khảo sát” là thành phố Hồ Chí Minh (cấp tỉnh và cấp huyện).
2. Bên bán khởi kiện Bên mua để lấy lại được giá trị theo hợp đồng.
3. Toà án phán quyết vụ việc đặt trụ sở tại một “Thành phố được khảo sát” và là toà cấp sơ thẩm có thẩm quyền đối với vụ kiện thương mại đó.
4. Bên bán lo ngại rằng Bên mua có thể tẩu tán tài sản trả nợ, hoặc tìm cách đưa tài sản này không còn là đối tượng của vụ kiện hoặc đưa vào trạng thái phá sản. Do đó, Bên bán yêu cầu và có được lệnh tịch biên của toà án có thẩm quyền đối với các tài sản là động sản của Bên mua như xe cộ hay các thiết bị văn phòng trước khi có được phán quyết của toà án.
5. Bên mua phản đối yêu cầu của Bên bán. Vụ việc tranh chấp được toà án giải quyết. Trong quá trình tố tụng, một chuyên gia thẩm định được yêu cầu đưa ra ý kiến đánh giá chất lượng hàng hoá được phân phối của Bên bán: (a) Trường hợp quy chuẩn của quốc gia đó cho phép Bên bán và Bên mua mời chuyên gia thẩm định làm chứng, mỗi bên sẽ mời một chuyên gia đưa ra ý kiến về chất lượng số hàng được cung cấp bởi Bên bán; (b) Trường hợp quy chuẩn của quốc gia cho phép thẩm phán chỉ định một chuyên gia độc lập đưa ra ý kiến về chất lượng số hàng được cung cấp bởi Bên bán và thẩm phán tiến hành thủ tục đó.
Giả thuyết vụ việc cho rằng không có ý kiến phản đối ý kiến chuyên gia.
6. Phán quyết của toà án 100% ủng hộ cho Bên bán. Bên mua bị yêu cầu trả lại giá trị theo đơn giá hợp đồng cho Bên mua.
7. Bên mua không kháng cáo đối với phán quyết.
8. Bên bán khởi động các thủ tục thi hành bản án ngay sau khi thời hạn kháng cáo kết thúc. Giả thiết vụ việc cho rằng Bên mua không có tiền trong tài khoản ngân hàng. Do đó, các tài sản là động sản của Bên mua (xe cộ và trang thiết bị văn phòng) bị kê biên, cất giữ để chuẩn bị đấu giá.
9. Phiên đấu giá tài sản kê biên của Bên mua được tổ chức. Các tài sản được bán và khoản nợ được thu hồi lại toàn bộ cho Người bán”.
1.2. Bảng hỏi
Với vụ việc giả thiết nêu trên, Ngân hàng thế giới đánh giá thời gian thực thi bản án thông qua Bảng hỏi. Theo đó, giai đoạn thi hành phán quyết của toà án đo lường thời gian mà bên thắng kiện thu hồi được giá trị theo hợp đồng đã ký kết, bao gồm (1) Khởi động thủ tục thi hành phán quyết, (2) Kê biên tài sản là động sản của bên thua kiện, (3) Tổ chức phiên đấu giá tài sản kê biên, (4) Thu hồi khoản nợ.
Các câu hỏi của Bảng hỏi bao gồm:
Câu 1: Trong thực tế phải mất thời gian bao lâu để đương sự được cấp một bản án, quyết định của Toà án làm căn cứ để đề nghị thi hành án và mất bao lâu để có thể liên hệ được với cơ quan thi hành án?
Câu 2: Trong thực tế phải mất bao lâu để có thể xác định và kê biên được tài sản là động sản của bên phải thi hành án?
Câu 3: Trong thực tế phải mất bao lâu để có thể tổ chức được phiên đấu giá tài sản của người phải thi hành án?
Câu 4: Trong thực tế thông thường có cần trên một phiên đấu giá để có thể thu hồi được khoản nợ không, khoảng cách giữa các phiên đấu giá là bao nhiêu ngày?
Câu 5: Sau khi phiên đấu giá được hoàn tất, phải mất bao lâu để người được thi hành án thu hồi được khoản nợ?
Câu 6: Các nguyên nhân chính trì hoãn giai đoạn này:
- Kê biên tài sản
- Tổ chức phiên đấu giá
- Chờ đợi phiên đấu giá công khai được tổ chức
- Tìm người mua tài sản
- Nguyên nhân khác.
1.3. Thu thập số liệu
Số liệu trong Báo cáo của Ngân hàng thế giới được thu thập từ bốn nguồn thông tin: Một là các quy định pháp luật có liên quan điều chỉnh hoạt động được đánh giá; hai là thông tin từ các cộng tác viên xây dựng Báo cáo (Ngân hàng thế giới hiện đang có 39.000 cộng tác viên hoạt động tại 190 nền kinh tế); ba là thông tin từ chính phủ của các nền kinh tế; bốn là thông tin từ các nhân viên của Ngân hàng thế giới đóng tại khu vực đó.
Hàng năm, từ tháng 11 năm trước cho đến tháng 01 năm sau, Ngân hàng thế giới tiến hành rà soát và chỉnh lý, hoàn thiện Bảng hỏi, từ tháng 2 cho đến tháng 8 tập trung thu thập và phân tích số liệu. Trong giai đoạn này, Ngân hàng thế giới sẽ phân phát Bảng hỏi đồng thời phân tích các quy định pháp luật về hoạt động được đánh giá, đồng thời có thể phỏng vấn, tham vấn các cơ quan chính phủ hoặc các chuyên gia độc lập về vấn đề đánh giá để đối chiếu, làm rõ thông tin. Trong tháng 9, 10, Ngân hàng thế giới tiến hành công bố Báo cáo. Đặc biệt, trong lĩnh vực thực thi phán quyết của toà án, cùng với phân tích các quy định của pháp luật liên quan, chỉ số về thời gian được đánh giá chủ yếu theo quãng thời gian thực tế thi hành theo ý kiến của các cộng tác viên tại địa phương. Tại Việt Nam, năm 2016, các cộng tác viên địa phương đến từ nhiều công ty luật như: Baker & Mc Kenzie, YKVN, Honor Partnership Law Company Limited, Biz Consult Law Firm, VietBid Law Firm, Aliat Legal, Rajah & Tann LCT Lawyers, LuatViet Advocate & Solicitor, VB Law, CSB Legal LCC, LVN and Associates…
 2. Một số việc cần làm ngay
Về lâu dài, chúng ta cần có một kế hoạch tổng thể, toàn diện với những phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về từng bước, từng khâu, lộ trình, nguồn lực, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan từ trung ương đến địa phương trong mỗi bước, mỗi khâu đó. Tuy nhiên, trước mắt, cần tập trung vào một số công việc cấp bách và có thể làm ngay trong năm 2017, cụ thể như sau:
2.1. Các giải pháp cải cách hành chính
Một là, tập trung rà soát, đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết đối với 11 thủ tục hành chính cấp trung ương, 25 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 24 thủ tục hành chính cấp huyện trong lĩnh vực thi hành án dân sự; tiếp tục có hình thức phù hợp thông báo rộng rãi các thủ tục hành chính trong thi hành án dân sự đến người dân và doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc chấp hành, tuân thủ các thủ tục này, qua đó trực tiếp rút ngắn thời gian giải quyết công việc.  
Hai là, khẩn trương triển khai một cách có hiệu quả trên toàn quốc cơ chế một cửa và thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2. Đây là những giải pháp cải cách hành chính nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động thi hành án, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn với cơ quan thi hành án, đồng thời bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện hơn.
2.2. Triển khai hiệu quả các quy định pháp luật về thi hành án
Theo thống kê, năm 2016, toàn quốc có 11.084 việc đã kê biên, định giá lại, bán đấu giá nhưng chưa xử lý được với số tiền gần 32 nghìn tỷ đồng, còn 260 vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá do người phải thi hành án chây ỳ, chống đối. Trong các vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng, việc định giá chênh lệch nhiều lần so với giá thẩm định lúc cho vay gây ra nhiều khó khăn cho việc đấu giá. Đây chính là điểm nghẽn lớn cản trở nỗ lực rút ngắn thời gian thi hành án. Từ ngày 01/7/2017, Luật Đấu giá tài sản năm 2017 có hiệu lực pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương có biện pháp triển khai nghiêm túc, hiệu quả Luật này nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu giá nói chung và đấu giá tài sản kê biên trong thi hành án dân sự nói riêng.
2.3. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm
Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của đội ngũ công chức thi hành án về tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan thi hành án cần thay đổi tư duy, nhận thức tiếp cận theo thông lệ quốc tế chuẩn mực; vượt qua rào cản lợi ích cục bộ. Kiên quyết không chấp nhận thái độ thờ ơ, đối phó, trì trệ trong quá trình triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách theo yêu cầu của Chính phủ./.
            Nguyễn Xuân Tùng                                                                                          
Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự

Tài liệu tham khảo:
1. World Bank Group: Doing Business 2017 tại http://www.doingbusiness.org/.
2. World Bank Group: Doing Business 2017 - Economy Profile 2017 Vietnam tại http://www.doingbusiness.org/data/exploreeconomies/vietnam.
3. Chính phủ: Báo cáo công tác thi hành án dân sự năm 2016.