Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu XD Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam”

02/03/2017
Hội thảo  “Nâng cao hiệu quả công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu XD Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam”
Ngày 28/02/2017, Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học pháp lý, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật tổ chức Hội thảo khoa học nhằm hoàn thiện các chuyên đề thuộc Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nâng cao hiệu quả công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam”. Ông Chu Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội và ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội, Viện Khoa học pháp lý, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện một số Bộ, ngành, địa phương.
 Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nâng cao hiệu quả công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam” là đề tài đầu tiên được triển khai thực hiện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 do Trường Đại học Luật Hà Nội chủ trì tổ chức. Đề tài do Tiến sĩ Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp làm Chủ nhiệm; các thành viên tham gia nghiên cứu Đề tài là các nhà khoa học có uy tín, các cán bộ nhiều thực tiễn trong công tác nghiên cứu khoa học cũng như công tác pháp chế. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, đề tài khoa học “Nâng cao hiệu quả công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam” sẽ làm sáng tỏ thêm về lý luận và thực tiễn về công tác pháp chế, vị trí, vai trò công tác pháp chế trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam,  thực trạng triển khai công tác pháp chế ở nước ta; đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật về công tác pháp chế và các giải pháp nhằm đổi mới công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta. 
Tại Hội thảo các đại biểu được nghe trình bày và trực tiếp đóng góp ý kiến vào các chuyên đề về vị trí, vai trò của công tác pháp chế trong xây dựng nhà nước pháp quyền; quy định về công tác pháp chế trong pháp luật Việt Nam; thực trạng công tác pháp chế tại các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác pháp chế ngành giáo dục; một số vấn đề về công tác pháp chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập; nghiên cứu tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế; hoàn thiện cơ chế phối hợp và huy động sự tham gia của xã hội trong công tác pháp chế. Có thể thấy, do ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác pháp chế nên trong các văn kiện quan trọng của Đảng ta, Hiến pháp các năm đều thể hiện nhất quán quan điểm của Nhà nước ta là xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Trong quá trình đó, việc thực hiện đầy đủ, thống nhất công tác pháp chế có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần xây dựng xã hội có trật tự, kỷ cương, bảo đảm cho hoạt động của toàn xã hội thống nhất, đồng bộ.
Với sự chuẩn bị công phu, tinh thần nghiên cứu nghiêm túc, bài bản của Ban Chủ nhiệm Đề tài và nhóm nghiên cứu; sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Hội thảo đã đạt được kết quả tốt đẹp. Với các ý kiến đa chiều từ kinh nghiệm, nhu cầu thực tiễn, Ban Chủ nhiệm đề tài sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện các chuyên đề, phục vụ cho việc nghiên cứu, hoàn thiện Đề tài này./.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật