Quy chế phối hợp giữa BTP và LĐ luật sư Việt Nam về hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư

04/01/2017
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh đã ký ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam về hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư.
Đây là văn bản quan trọng để tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam trong việc quản lý luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý và pháp luật luật sư nhằm cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, bảo đảm chất lượng cho người được trợ giúp pháp lý.
Quy chế gồm 3 chương, 14 Điều, trong đó tập trung vào một số nội dung chính như sau:
Phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, các văn bản liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư: nội dung này quy định việc phối hợp xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư và việc phối hợp xây dựng chiến lược, đề án và các văn bản khác có nội dung liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư.
Phối hợp trong việc giới thiệu và thực hiện trợ giúp pháp lý: Đối với luật sư, trong quá trình hành nghề của mình, nếu luật sư nhận thấy vụ việc có người thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì cung cấp thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý cho người đó và hướng dẫn đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi người đó có yêu cầu, thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa phương. Trường hợp luật sư thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý nhưng đã hết thời gian quy định mà vụ việc chưa kết thúc thì luật sư giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý và có thể tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý cho người đó hoặc hướng dẫn đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, đồng thời thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở địa phương. Ngược lại, trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, nếu Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phát hiện người có yêu cầu trợ giúp pháp lý không phải là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì giới thiệu người đó đến các tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư ở địa phương.
Phối hợp trong việc giới thiệu và lựa chọn luật sư tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
Phối hợp trong công tác thông tin, truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý: các Bên phối hợp tổ chức thực hiện thông tin, truyền thông về trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao nhận thức của người dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về trợ giúp pháp lý và quyền của người được trợ giúp pháp lý; mở các chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý trên ấn phẩm, phương tiện truyền thông, cổng thông tin điện tử của các Bên và các đơn vị trực thuộc.
Phối hợp trong công tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.
Phối hợp trong việc khen thưởng, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư.
Để triển khai Quy chế này để đồng bộ, hiệu quả, Quy chế đã xác định cụ thể đơn vị đầu mối phối hợp thực hiện Quy chế; trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế; sơ kết việc thực hiện Quy chế…Theo đó, đơn vị đầu mối phối hợp thực hiện Quy chế được xác định như sau:
Ở Trung ương: Bộ Tư pháp (Cục Trợ giúp pháp lý) và Liên đoàn luật sư Việt Nam (Ủy ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý).  
Ở địa phương: Sở Tư pháp (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước) và Đoàn luật sư. 
Căn cứ vào Quy chế này và thực tiễn tình hình của địa phương, Sở Tư pháp phối hợp hoặc chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong phạm vi thẩm quyền của mình phối hợp với Đoàn luật sư xây dựng quy chế phối hợp trong công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương.
Thanh Hà