Những vấn đề thời sự của Luật quốc tế và việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc

08/12/2016
Những vấn đề thời sự của Luật quốc tế và việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc
Thực hiện Chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Luật Hà Nội và Hiệp hội Luật quốc tế Hàn Quốc - KSIL, ngày 06/12/2016, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hiệp hội Luật quốc tế Hàn Quốc và Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu và luật quốc tế (thuộc Trường Đại học Yonsel – Hàn Quốc) đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề: “Những vấn đề thời sự của Luật quốc tế và việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc”.
Tham gia Hội thảo, về phía các chuyên gia Hàn Quốc có: GS. LEE Jae Gon – Chủ tịch KSIL, giáo sư của Trường Đại học quốc gia Chungnam; GS. OH Byung Sun – Nguyên chủ tịch KSIL, giáo sư danh dự của Trường Đại học Sogang; GS. LEE Seok Yong – Nguyên chủ tịch KSIL, giáo sư của Đại học Hannam; GS. CHUNG In Seop – Nguyên chủ tịch KSIL, giáo sư của Đại học quốc gia Seoul; GS. KIM Boo Chan - Nguyên chủ tịch KSIL, giáo sư của Đại học quốc gia Jeju; ngài KIM Young Won – Đại sứ của Hàn Quốc tại Hà Lan cùng các chuyên gia đến từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu của Hàn Quốc. Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có: TS. Chu Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng cùng đông đảo giảng viên của Trường. Hội thảo có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Thu Trang – Tổng thư kí Hội hữu nghị Việt – Hàn; GS. Lê Hồng Hạnh – Giám đốc Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN, Hội luật gia Việt Nam cùng các đại biểu đến từ Ủy ban Biên giới quốc gia, Hội Luật gia Việt Nam, Hội Luật quốc tế Việt Nam, Học viện Ngoại giao…
Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia châu Á có nhiều điểm tương đồng, có mối quan hệ gắn kết từ trong lịch sử và hiện là đối tác toàn diện, tin cậy của nhau. Trong bối cảnh hiện nay, hai quốc gia đang cùng đứng trước những vấn đề mang tính thời sự toàn cầu như: vấn đề chủ quyền biển đảo; hội nhập kinh tế quốc tế; biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; … Đây cũng chính là những chủ đề được bàn luận tại Hội thảo. Cụ thể, qua 3 phiên thảo luận, các đại biểu đã được nghe các diễn giả bình luận về Công ước luật biển năm 1982; vấn đề giải quyết tranh chấp tại tòa án quốc tế; về Hiệp định TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA); vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp… Những kinh nghiệm lập pháp, vấn đề thực hiện pháp luật và xu hướng xây dựng chính sách của hai quốc gia về các vấn đề này cũng được các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo.
Các tham luận tại Hội thảo được đánh giá là có tính thiết thực về cả mặt pháp lý và thực tiễn đối với hai quốc gia hiện nay. Những kiến nghị được các học giả đưa ra tại Hội thảo có giá trị tham vấn cho các nhà hoạch định chính sách trong việc lựa chọn các giải pháp hướng đến hòa bình, ổn định và phát triển. Đây cũng là dịp để các học giả công bố các nghiên cứu và trao đổi, chia sẻ các quan điểm khoa học về các vấn đề mang tính thời sự của luật quốc tế cũng như của hai quốc gia.
Thay mặt lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội, TS. Chu Mạnh Hùng cảm ơn sự tin tưởng hợp tác của Hiệp hội luật quốc tế Hàn Quốc, sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của Quỹ lịch sử Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc trong việc tổ chức Hội thảo, cũng như các hoạt động hợp tác giữa Trường Đại học Luật Hà Nội với các đối tác Hàn Quốc trong suốt thời gian qua. Sự thành công của Hội thảo này là kết quả của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Trường Đại học Luật Hà Nội với Hiệp hội Luật quốc tế Hàn Quốc cũng như các đối tác đến từ Hàn Quốc, đồng thời góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia Việt - Hàn.
Quỳnh Hoa