Thực hiện xét xử lưu động nhằm nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân

08/12/2016
Thực hiện xét xử lưu động nhằm nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân
Sáng 7/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo “Các tiêu chí đưa vụ việc ra xét xử lưu động nhằm nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân”. Ông Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp chủ trì Hội thảo.
Đưa pháp luật tới gần dân
Chia sẻ về những tác động tích cực của việc đưa các vụ việc ra xét xử lưu động, ông Đỗ Xuân Lân nhấn mạnh: đây là một hình thức PBGDPL trực quan, thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ và nhân dân. Thông qua phiên tòa mỗi người tham dự có điệu kiện nâng cao nhận thức, nắm bắt quy định của pháp luật, biết được cách hành xử đúng đắn theo pháp luật, nhờ đó pháp luật dễ dàng thấm sâu vào đời sống nhân dân, gắn với các vụ việc, sự kiện, con người cụ thể.
Hơn thế nữa, xét xử lưu động là một biện pháp tăng cường tính công khai, minh bạch, nghiêm minh của Tòa án; đưa pháp luật tới gần dân, tạo niềm tin trong nhân về vai trò quản lý xã hội của Nhà nước, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, để người dân hiểu rằng việc ra phán quyết của Tòa án là dựa trên lý lẽ, chứng cứ và quy định của pháp luật và các vấn đề này đều phải được công khai để mọi người biết và giám sát.
Cần bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Từ góc nhìn của cơ quan báo chí, ông Đào Ngọc Luyến, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho lại cho rằng bên cạnh những ưu điểm, xét xử lưu động đang bộc lộ nhiều vấn đề. Quan trọng nhất là việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Việc đưa bị cáo ra xét xử trước hàng ngàn người, ngay tại nơi mình sinh sống với người thân, họ hàng, làng xóm gây áp lực rất lớn cho không chỉ bị cáo mà cả người thân của họ. Việc này cũng ảnh hưởng nhất định tới con đường hoàn lương sau này của bị cáo vì mặc cảm, tự ti. Thậm chí, có thể có  “tác dụng ngược”, đơn cử như vụ việc một bị cáo ở Quảng Nam (bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản, được tại ngoại) đã tự tử vì thấy xấu hổ khi bị đưa ra xét xử lưu động.
Đó là chưa kể, với nhiều vụ án đưa ra xét  xử lưu động, có những cơ quan báo chí khi phản ánh đã sa vào việc mô tả quá chi tiết hành vi phạm tội với những tình tiết rùng rợn, ly kỳ kích thích sự tò mò của đám đông, dẫn tới những phản cảm nhất định cho người đọc, người xem. Hoặc có những cơ quan báo chí khai thác quá sâu đời sống riêng của bị cáo, người thân bị cáo, nạn nhân, những người liên quan… cũng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ
Cân nhắc đến loại án, loại tội và đối tượng phạm tội được đưa ra xét xử lưu động
Để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, phát huy những ưu điểm, giảm thiểu những hạn chế khi đưa vụ án ra xét xử lưu động, ông Hoàng Anh Tuyên, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, trong giai đoạn trước mắt, Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn thống nhất về căn cứ, tiêu chí để lựa chọn, xác định vụ án đưa ra xét xử lưu động. Cụ thể, phải cân nhắc đến loại án, loại tội và đối tượng phạm tội được đưa ra xét xử lưu động để bảo đảm đạt được yêu cầu, mục đích đề ra; việc đưa vụ án ra xét xử lưu động phải đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương; việc lựa chọn vụ án để đưa ra xét xử lưu động phải đáp ứng được tiêu chí xét xử công bằng, hiệu quả.
Ngoài ra, phải căn cứ vào khả năng thực tế và sự thống nhất của liên ngành tư pháp ở địa phương để lựa chọn vụ án đưa ra xét xử lưu động cho phù hợp. Các vụ án được đưa ra xét xử lưu động phải là các vụ án trọng điểm, có tính điển hình và được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt, không đưa ra xét xử lưu động đối với bị cáo, người bị hại là đối tượng yếu thế trong xã hội.
P.V