Chuyển giao kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học

29/09/2016
Chuyển giao kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học
Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) vừa tổ chức Hội nghị công bố và chuyển giao kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học. Đây là lần đầu tiên Viện Khoa học pháp lý – đơn vị được Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao chức năng đầu mối thông tin khoa học pháp lý thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ - tổ chức Hội nghị công bố và chuyển giao như vậy theo quy định mới.
Theo đó, Viện đã công bố Dự án “Thực trạng thi hành pháp luật (THPL) an toàn thực phẩm và vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc đảm bảo thi hành”, Đề án “Khảo sát, đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc thí điểm chế định thừa phát lại tại một số tỉnh/thành phố” và Đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả THPL của cơ quan hành chính nhà nước”. Đối với lĩnh vực rất nóng về an toàn thực phẩm, Dự án đưa ra một con số đáng báo động là có gần 50% người dân tham gia khảo sát không tin tưởng thực phẩm mình dùng là an toàn trong khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Ban chủ nhiệm Dự án kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an toàn thực phẩm, tăng cường các điều kiện bảo đảm THPL về an toàn thực phẩm, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả THPL về an toàn thực phẩm…
Liên quan đến chế định thừa phát lại, Ban Chủ nhiệm Đề án đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thí điểm chế định mới mẻ này thời gian qua. Dự báo khả năng phát triển thừa phát lại, Ban Chủ nhiệm Đề án cho rằng: Trong điều kiện chưa thể ban hành ngày Luật về Thừa phát lại, nên kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số vấn đề về địa vị pháp lý và thẩm quyền thừa phát lại. Còn giải pháp lâu dài, việc ban hành Luật về Thừa phát lại là rất cần thiết, tạo cơ chế pháp lý đồng bộ cho hoạt động của thừa phát lại trong bối cảnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính hiện nay.
Thiết thực góp phần phục vụ việc sửa đổi Nghị định 59 về theo dõi tình hình THPL, Ban Chủ nhiệm Đề tài kiến nghị xây dựng thiết kế bộ chỉ số THPL của 2 loại cơ quan hành chính nhà nước, cơ bản là các bộ và UBND các cấp mà trước mắt tập trung vào các bộ quản lý chuyên ngành và UBND cấp tỉnh. Theo đó, bộ chỉ số gồm 6 chỉ số thành phần như chỉ số đánh giá hiệu quả ban hành văn bản hướng dẫn THPL, chỉ số đánh giá hiệu quả công tác tổ chức bộ máy, quản lý biên chế, nhân sự, quản lý ngân sách và tài sản công…
Các kết quả nghiên cứu này được Viện chuyển giao cho đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL (Bộ Tư pháp). Đại diện các cơ quan, đơn vị tiếp nhận kết quả nghiên cứu khoa học đều bày tỏ sự vui mừng khi được nhận chuyển giao, theo phương châm “khoa học pháp lý phải đi trước một bước” và mong muốn các kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng cao, góp phần phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan.
Quyền Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương mong muốn những kết quả nghiên cứu được truyền tải đến cơ quan chức năng sẽ trở thành thông tin đầu vào hữu ích cho hoạt động quản lý nhà nước. Ông Cương cũng cho biết, hoạt động chuyển giao có nhiều hình thức khác nhau để nghiên cứu khoa học quay trở lại phục vụ thực tiễn nhưng đây là lần đầu tiên tổ chức Hội nghị công bố và chuyển giao theo quy định mới.
H.Thư