Tổ chức và hoạt động thừa phát lại – Kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp và thực tiễn của Việt Nam

23/06/2016
Tổ chức và hoạt động thừa phát lại – Kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp và thực tiễn của Việt Nam
Sáng 24/6, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm “Tổ chức và hoạt động thừa phát lại – Kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp và thực tiễn của Việt Nam” với sự tham gia của nhiều cơ quan Trung ương và địa phương của Việt Nam, đại diện Hội đồng Thừa phát lại quốc gia Pháp và Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến khẳng định: sau một thời gian triển khai, chế định thừa phát lại đã góp phần đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan nhà nước và trong các hoạt động tố tụng; góp phần tạo môi trường pháp lý lành mạnh, đảm bảo các giao dịch dân sự, kinh tế đúng pháp luật, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Đối với hoạt động tư pháp, hoạt động của thừa phát lại đã hỗ trợ, giúp cho hoạt động tư pháp đúng pháp luật, hiệu quả hơn. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự đóng góp của người dân, xã hội đối với hoạt động bổ trợ tư pháp, giảm tải công việc cho các cơ quan nhà nước, bớt gánh nặng cho ngân sách.
Vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng của nghề thừa phát lại tại Việt Nam trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Hội đồng Thừa phát lại quốc gia Pháp Patrick Safar cho biết: nghề thừa phát lại đã có lịch sử lâu đời và rất phổ biến, nhận được sự tin tưởng của Chính phủ và người dân Pháp. Sắp tới, phạm vi, lĩnh vực hoạt động của nghề này sẽ được mở rộng hơn nữa và người thực hiện công việc này sẽ được gọi với một tên mới là người ủy quyền thừa hành về tư pháp. Đại diện của Hội đồng Thừa phát lại quốc gia Pháp cũng đã giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm của Pháp trong triển khai hoạt động thừa phát lại.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển nghề thừa phát lại ở Việt Nam vẫn còn những khó khăn nhất định, trong đó phải kể đến việc nhận thức của người dân về chế định này vẫn chưa đầy đủ. Hầu hết các công việc thừa phát lại được làm hiện nay đều đang do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, vì vậy người dân chưa quen nhìn nhận và sử dụng thừa phát lại như một dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp để hỗ trợ thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức mình. Sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan Tòa án, thi hành án có lúc, có nơi còn chưa nhịp nhàng, đầy đủ cũng làm cho thừa phát lại gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ của mình…
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp như: nâng cao chất lượng thể chế, cụ thể là cần xây dựng luật về thừa phát lại để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và thiết thực cho hoạt động của thiết chế này; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho những người làm công tác thừa phát lại; thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, phổ biến để nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong việc triển khai thực hiện chế định thừa phát lại cũng như hiểu biết và tiếp cận của người dân đối với dịch vụ này.
P.V