Quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp theo Hiến pháp năm 2013

28/07/2016
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng đến quyền tư pháp và tổ chức thực hiện quyền tư pháp thông qua cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp, vì nhà nước hiện đại nào cũng phát sinh nhu cầu phải phán xử, xác định các hành vi, các quyết định của các chủ thể có phù hợp với quy định của pháp luật của nhà nước đó không.
Trong cuốn "Tinh thần pháp luật" nổi tiếng của mình, Montesquieu đã viết: “Quyền tư pháp bao gồm xét xử hành vi vi phạm pháp luật để bảo đảm quyền tự do và quyền con người và do đó phải được trao cho một thiết chế riêng rẽ đó là Tòa án.”. Nên cách hiểu chung nhất hiện nay, Quyền tư pháp là một trong những quyền lực nhà nước được giao cho Tòa án thực hiện, bao gồm từ quyền phán quyết đối với các hành vi vi phạm pháp luật, kể cả vi phạm hiến pháp; xử lý các tranh chấp, xung đột về quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ xã hội; công nhận giá trị pháp lý đối với các sự kiện, hành vi làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của cá nhân, cơ quan, tổ chức,…
Ở nước ta, quyền tư pháp cùng với quyền lập pháp và quyền hành pháp tạo thành quyền lực thống nhất của Nhà nước, mục đích thực hiện quyền tư pháp là xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh, bổ sung, thay đổi hoặc chấm dứt từ các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ do Tòa án thực hiện bằng thủ tục tố tụng chặt chẽ, dân chủ, công khai và công bằng, nhằm khôi phục, duy trì trật tự pháp luật, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm, góp phần bảo đảm pháp luật được tôn trọng và chấp hành nghiêm minh. Tại khoản 3 Điều 2 và khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định:“Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.”; “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.”. Trong phạm vi bài viết này, tác giả giới hạn việc nghiên cứu về quyền tư pháp và cơ quan thực thi quyền tư pháp theo tinh thần quy định của Hiến pháp năm 2013, mà theo đó, hiện vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về quyền tư pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bởi ngoài những quy định có liên quan tại Hiến pháp năm 2013, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hiện vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này.
1. Nhận thức về quyền tư pháp
Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến ở nước ta, quyền tư pháp và cơ quan thực thi quyền tư pháp được quy định rõ. Tuy nhiên, khái niệm về quyền tư pháp thì chưa được định nghĩa hoặc giải thích chính thống từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hiểu một cách thống nhất, dẫn đến nhận thức có sự khác nhau về quyền tư pháp. Xoay quanh nội dung này, hiện có các nhóm quan điểm sau:
+ Nhóm quan điểm thứ nhất cho rằng: Quyền tư pháp được hiểu là hoạt động xét xử của Tòa án và những hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác trực tiếp liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án, nhằm bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, pháp chế, trật tự pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước và xã hội. Nhóm quan điểm này, quyền tư pháp được thực hiện không chỉ bởi cơ quan xét xử (tòa án), mà cả Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra và các cơ quan trợ giúp tư pháp, như: Luật sư, Công chứng, Giám định, Tư vấn pháp luật,…Những người theo quan điểm này, căn cứ vào Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
+ Nhóm quan điểm thứ hai: Quyền tư pháp là quyền mà Nhà nước giao cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động,… theo trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp, bao gồm các thủ tục tố tụng hình sự, thủ tục tố tụng dân sự, thủ tục tố tụng hành chính,… Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân , Cơ quan thi hành án đều thực hiện quyền tư pháp theo những mức độ khác nhau. Việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án gắn liền với chức năng xét xử và chỉ thực hiện khi và chỉ khi xét xử chứ không bao trùm cả chức năng điều tra, chức năng công tố và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Hoạt động thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân chỉ xảy ra khi vụ việc được chuyển đến Tòa án xem xét, giải quyết và hoàn toàn độc lập với hoạt động điều tra của cơ quan điều tra, hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát. Do vậy, Quyền tư pháp được hiểu là tập hợp những hoạt động cụ thể do cơ quan tư pháp thực hiện trong tố tụng tư pháp, liên quan trực tiếp đến việc giải quyết vụ án, các tranh chấp pháp luật, hướng tới mục đích giải quyết các vụ án, tranh chấp một cách khách quan, đúng đắn và các hoạt động liên quan đến thi hành các phán quyết của Tòa án, mà các hoạt động đó thuộc về cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và thi hành án.
+ Nhóm quan điểm thứ ba: Quyền tư pháp là lĩnh vực quyền lực Nhà nước được thực hiện thông qua hoạt động phân xử và phán xét tính đúng đắn, tính hợp pháp của các hành vi, quyết định áp dụng pháp luật khi có sự tranh chấp về các quyền và lợi ích giữa các chủ thể pháp luật. Theo quan điểm này, chủ thể thực hiện quyền tư pháp chỉ là Tòa án và hoạt động tư pháp chỉ là hoạt động xét xử. Nói đến tư pháp là nói đến lĩnh vực hoạt động xét xử của Tòa án và ngược lại. Cùng chung quan điểm này, theo PGS.TS Nguyễn Đăng Dung, trong sách chuyên khảo “Thể chế Tư pháp trong Nhà nước pháp quyền”, NXB Tư pháp, năm 2004, trang 11, có viết: “Tư pháp là một lĩnh vực quyền lực nhà nước, được thực hiện thông qua hoạt động phân xử và phán xét tính đúng đắn, tính hợp pháp của các hành vi, các quyết định pháp luật khi có sự tranh chấp về các quyền và lợi ích giữa các chủ thể pháp luật
Đồng tình với quan điểm này, nhưng hiểu với phạm vi mở rộng hơn, mức độ sâu sắc hơn, mà theo đó, nội hàm của quyền tư pháp trước hết là quyền xét xử, quyền kiểm tra, đánh giá kết luận về tính hợp pháp và có căn cứ của các quyết định, hành vi tố tụng do các cơ quan tư pháp thực hiện trong suốt quá trình tố tụng và thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Những người ủng hộ quan điểm mở rộng, lập luận theo hướng Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác. Trước yêu cầu bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phải xây dựng cơ chế để Tòa án tham gia kiểm soát việc thực hiện các hoạt động tư pháp. Trong bài viết: “Làm thế nào để Thẩm phán và Tòa án độc lập trong thực thi công lý” của GS. Lê Hồng Hạnh, đăng trên Tạp chí Pháp luật và Phát triển, số 1/2015, có viết: Trong cơ chế phân công quyền lực, quyền tư pháp được hiểu là là quyền của Nhà nước xác định và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và thực thi công lý thông qua các thể chế phù hợp. Thiết chế này có chức năng cơ bản nhất, nếu không muốn nói là duy nhất, thay mặt xã hội thực thi công lý và nó phải được tổ chức, được giao nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện công việc một cách độc lập tối đa có thể; và công lý phải được thực thi trong mắt nhân dân. Thiết chế thực thi công lý bao gồm các Thẩm phán. Còn PGS.TS Trần Văn Độ, cho rằng: Quyền tư pháp là quyền xét xử, tức quyền áp dụng pháp luật để ra phán quyết về các vi phạm pháp luật và các tranh chấp xảy ra trong xã hội. Tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, là cơ quan xét xử duy nhất của Nhà nước thực hiện quyền tư pháp. Vì vậy, xử lý các vi phạm pháp luật bằng các chế tài Nhà nước, giải quyết các tranh chấp bằng quyền lực Nhà nước đều phải thuộc thẩm quyền của Tòa án. Các cơ quan nhà nước khác tham gia vào việc xử lý, giải quyết đó không phải là cơ quan tư pháp, không có chức năng thực hiện quyền tư pháp, mà các cơ quan này chỉ thực hiện các hoạt động tư pháp. Từ đó, mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử, giao cho Tòa án bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật là xu thế tất yếu của nhà nước pháp quyền.
Tuy nhiên, chỉ riêng trong lĩnh vực tố tụng hình sự, BLTTHS năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016) vẫn quy định các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền ban hành các quyết định có liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, trong đó, đặc biệt là các quyền về tự do thân thể, nhà ở, đồ vật, thư tín, bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét nhà ở,…Chẳng hạn, theo quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều 113 BLTTHS năm 2015: Những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam:
a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;
b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
 Tương tự như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 193 BLTTHS năm 2015, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật này, có quyền ra lệnh khám xét (khám xét người, khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện , thu giữ thư tín, điện tín,…). Trong khi các quyền này có ảnh hưởng lớn đến quyền con người, quyền công dân, thì lại chưa được Quốc hội giao cho Tòa án với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp phán quyết hoặc kiểm tra việc ra phán quyết để bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân!
2. Cơ quan thực hiện quyền tư pháp
Việc quy định quyền tư pháp phải xuất phát từ nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với đặc thù về thể chế chính trị, thực tế và truyền thống pháp luật của Việt Nam. Qua nghiên cứu của người viết, xoay quanh nhận thức về quyền tư pháp là hoạt động của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Cơ quan thi hành án và thiết chế bổ trợ tư pháp cho rằng, quyền tư pháp chỉ là hoạt động xét xử của Tòa án có một số điểm chưa hợp lý sau:
Một là, các quan điểm nói trên mới chỉ nói đến chức năng và thẩm quyền xét xử của Tòa án, mà chưa đề cập đến thẩm quyền nhiều mặt khác của cơ quan này, bởi lẽ, ở nhiều quốc gia khác, ngoài hoạt động xét xử, Tòa án còn thực hiện nhiều hoạt động khác, như kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của các quyết định mà cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền giải thích, hướng dẫn, áp dụng pháp luật.
Hai là, nhận thức về quyền tư pháp theo phương diện chủ thể thực thi quyền tư pháp bao gồm cơ quan điều tra, Viện kiểm sát sẽ phân biệt được rõ ràng chức năng hành pháp và chức năng tư pháp. Các cơ quan điều tra, viện kiểm sát về bản chất là cơ quan hành pháp và hoạt động của các cơ quan này sẽ tham gia vào các vụ án hình sự, trong khi đó, các vụ án không phải là hình sự thì theo quy định của pháp luật nghĩa vụ chứng minh thuộc về các đương sự, nên các cơ quan điều tra sẽ không xuất hiện và chức năng thực hiện quyền kiểm sát hoạt động tư pháp của viện kiểm sát lại càng rất mờ nhạt.
Ba là, nếu coi chủ thể thực hiện quyền tư pháp không chỉ là các cơ quan nhà nước mà còn cả các tổ chức bổ trợ tư pháp, thì điều này dẫn đến, quyền tư pháp không còn được hiểu đúng theo nghĩa của một nhánh quyền lực trong quyền lực Nhà nước của bộ máy Nhà nước.
Theo quy định khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013, như trên đã dẫn, việc cụ thể hóa nội hàm về quyền tư pháp, xác định chính danh Tòa là cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong văn bản pháp luật là điều rất cần thiết, từ đó mới quy định đúng, đủ, chính xác chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, tạo cơ sở pháp lý cho Tòa án thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Qua nghiên cứu, theo quan điểm của người viết, nội hàm của quyền tư pháp được xác định bao gồm các lĩnh vực sau:
Thứ nhất, quyền tư pháp là xét xử và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật; áp dụng, kiểm tra, hủy bỏ việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế Nhà nước hạn chế quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định; kiểm tra, kết luận tính hợp pháp và có căn cứ của các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Thứ hai, xử lý vi phạm hành chính; xem xét đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước và quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính liên quan đến quyền con người; quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, quyết định, giám sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án;
Thứ tư, trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH;
Thứ năm, quyền kiểm soát việc thực hiện các hoạt động tư pháp. Hiến pháp đã xác định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, thì trong quá trình thực hiện quyền tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền, các hoạt động của cơ quan, tổ chức tiến hành tố tụng hoặc hỗ trợ cho tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp đều phải chịu sự kiểm soát tư pháp của Tòa án.
Từ những phân tích nội hàm quyền tư pháp nêu trên, theo quan điểm của người viết, quyền tư pháp được hiểu: Quyền tư pháp là quyền lực nhà nước giao cho tòa án thực hiện, bao gồm trước hết là quyền xét xử và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật; áp dụng, kiểm tra, hoặc hủy bỏ việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế Nhà nước hạn chế quyền con người, quyền công dân; áp dụng các biện pháp xử lý hành chính liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật; quyết định, giám sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án; hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật; kiểm soát hoạt động tư pháp, hoạt động của cơ quan hành pháp theo cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước và các quyền khác bảo đảm để Tòa án thực thi quyền lực tư pháp theo quy định của pháp luật.
Hoạt động tư pháp là hoạt động của các cơ quan nhà nước bảo vệ pháp luật có trách nhiệm duy trì, bảo vệ công lý và trật tự pháp luật, trong đó, Tòa án với chức năng hiến định là xét xử với vai trò trung tâm và thể hiện rõ nét nhất các đặc tính của quyền tư pháp. Hoạt động điều tra, hoạt động thực hành quyền công tố được thực hiện bởi các cơ quan hành pháp, bởi suy cho cùng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát về bản chất thuộc cơ quan hành pháp, nên việc sắp xếp các cơ quan này vào hệ thống các cơ quan tư pháp là không hợp lý, hơn nữa, theo khoản 1 Điều 107 Hiến pháp năm 2013: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Kiểm sát hoạt động tư pháp mà thực chất là kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án, là hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước, xuất phát từ nguyên tắc độc lập xét xử. Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014: “ Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.” Vấn đề đặt ra, kiểm soát quyền lực tư pháp thực hiện như thế nào là hợp lý? Cách giải thích phù hợp với Hiến pháp hiện nay là quyền kiểm soát hoạt động xét xử, được Quốc hội giao cho Viện kiểm sát với vai trò công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, trong đó có quyền lực tư pháp. Mà nếu như vậy, Viện kiểm sát phải độc lập với hoạt động xét xử, hoạt động tố tụng thì mới có thể kiểm sát hoạt động xét xử, kiểm sát hoạt động tố tụng, nghĩa là Viện kiểm sát phải đứng ngoài tư pháp, không phải là cơ quan tư pháp. Mặt khác, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát xuất hiện trong quan hệ tố tụng trong từng lĩnh vực là khác nhau, cụ thể, trong quan hệ tố tụng hình sự thì luôn luôn có sự tham gia của các cơ quan này theo thẩm quyền pháp luật quy định, nhưng với lĩnh vực dân sự, lao động, kinh doanh, thương mại,… Cơ quan điều tra không tham gia, còn Viện kiểm sát chỉ tham gia với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp việc thực hiện chức năng công tố với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp chưa rõ ràng, nghĩa là lúc nào thì Viên kiểm sát thực hiện quyền công tố, khi nào thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án.
 Cơ quan thi hành án với chức năng nhiệm vụ pháp luật quy định chỉ thi hành các phán quyết của Tòa án, nên mang tính chất hành chính – tư pháp. Do đó, hoạt động thi hành án không thuộc phạm vi của quyền tư pháp và cơ quan thi hành án không phải là cơ quan tư pháp. Ngoài ra, hoạt động của tổ chức luật sư, giám định,… như tên gọi là hoạt động bổ trợ tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, nhưng các hoạt động này được tiến hành bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài, không được giao thực hiện quyền lực nhà nước, nên không coi là hoạt động thực thi quyền tư pháp.
Trong khi đó, Tòa án là chủ thể thực hiện quyền tư pháp một cách “tuyệt đối” nên tham gia trong mọi lĩnh vực để phân xử đưa ra phán quyết bảo đảm sự công bằng, lẽ phải, bảo vệ công lý theo quy định của pháp luật. Trong điều kiện đất nước ta đang xây dựng nền tư pháp phụng sự Nhân dân, gần Nhân dân, đáp ứng những yêu cầu của Nhân dân phải giải quyết nhanh chóng những tranh chấp, sự việc phát sinh để kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích của người dân thì mức độ và phạm vi kiểm sát hoạt động xét xử, giải quyết các vụ việc khác của Tòa án cần được cụ thể hóa bằng văn bản pháp luật.
Tóm lại, theo quan điểm của người viết, Tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, là cơ quan xét xử duy nhất của Nhà nước, chỉ có Tòa án là cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật bằng chế tài nhà nước, giải quyết các tranh chấp bằng quyền lực nhà nước. Do vậy, khi nói đến quyền tư pháp là nói đến quyền của Tòa án và chỉ là Tòa án; Cơ quan thực hiện quyền tư pháp duy nhất chỉ là Tòa án.
Phạm Thị Hồng Đào - Văn phòng luật sư Thạnh Hưng