Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 2015
- Kính thưa: - Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng;
- Đồng chí Nông Đức Mạnh, Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng;
- Đồng chí Trần Đức Lương, Nguyên Chủ tịch nước, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương;
- Kính thưa: - Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể Trung ương;
- Thưa các vị khách quốc tế,
- Thưa các đồng chí và các bạn,
Hôm nay, trong không khí hào hùng cùng cả nước kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngành Tư pháp long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống và đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước - Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong ngành Tư pháp cả nước, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng; Đồng chí Nông Đức Mạnh, Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng; Đồng chí Trần Đức Lương, Nguyên Chủ tịch nước, Nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; đồng chí Uông Chu Lưu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ qua các thời kỳ đã dành thời gian đến dự buổi Lễ trọng thể này của Ngành chúng ta.
Tôi xin nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, các đồng chí Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đồng chí Đại biểu Quốc hội khóa XIII nguyên là cán bộ của Ngành; chào mừng sự tham dự của Ngài Bộ trưởng Tư pháp Vương quốc Campuchia; đồng chí Bộ trưởng Tư pháp Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào; Ngài Bộ trưởng Tư pháp Vương quốc Thái Lan; các vị Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế và nước ngoài tại Việt Nam; các đồng chí nguyên Lãnh đạo Bộ Tư pháp, cán bộ lão thành, đại diện các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp; các đồng chí là Chiến sỹ thi đua, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những đại diện xuất sắc của Phong trào thi đua yêu nước ngành Tư pháp giai đoạn 2010 - 2015.
Trong buổi lễ trang trọng này, chúng ta xúc động tưởng nhớ và thành kính biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và đặt nền móng xây dựng ngành Tư pháp dân chủ cách mạng Việt Nam. Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp xây dựng và trưởng thành của Ngành trong suốt chặng đường 70 năm qua.
Kính thưa các vị khách quý,
Thưa các đồng chí và các bạn,
Ngày 28/8/1945 đã đi vào mốc son lịch sử của dân tộc ta. Đó là ngày Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã ra tuyên cáo trước Quốc dân đồng bào, cũng như toàn thế giới, về việc thành lập Nội các Thống nhất quốc gia gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp do Ông Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng. Kể từ đó tới nay, như các vị đại biểu và các bạn đã chứng kiến qua phim tư liệu “70 năm Tư pháp Việt Nam - Vinh quang một chặng đường”, tuy chưa phải là đầy đủ, nhưng có thể thấy rằng, trải qua những thăng trầm của lịch sử, ngành Tư pháp, với chức năng xuyên suốt là xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về công tác pháp luật và các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, đã bám sát thực tiễn trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, kịp thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành và tổ chức thi hành những chính sách pháp luật quan trọng, xây dựng các thiết chế pháp luật, tư pháp phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Đặc biệt, trong thời kỳ Đổi mới, ngành Tư pháp đã và đang từng bước nâng tầm nhận thức lí luận, đổi mới tư duy chính trị - pháp lý trong việc nghiên cứu, đề xuất và tham gia xây dựng các chiến lược quốc gia về pháp luật, tư pháp phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tính dự báo và chất lượng của các chương trình lập pháp, lập quy theo các nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, cũng như việc hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, nghề Tư pháp; vươn lên trở thành “cơ quan tham mưu” tin cậy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện đường hướng phát triển lĩnh vực pháp luật và tư pháp của đất nước thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế; tham gia chủ động, hiệu quả hơn trong việc xây dựng thể chế về tổ chức bộ máy nhà nước nói chung và thể chế tổ chức, hoạt động của Chính phủ, hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng theo các nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa về phân công, phối hợp và kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước mà các nghị quyết của Đảng đã đề ra và mới đây đã được ghi nhận rõ trong Hiến pháp năm 2013.
Việc hoàn thiện tổ chức, thể chế quản lý các lĩnh vực và hoạt động của ngành Tư pháp theo lộ trình, định hướng trong các chiến lược quốc gia và chiến lược phát triển Ngành được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến nay, các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của Ngành về cơ bản đều đã có luật điều chỉnh. Ngành Tư pháp đã huy động khá hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội bằng việc thực hiện nhất quán và kiên trì chủ trương xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp với những bước đi thận trọng, lộ trình phù hợp, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc và ngày càng ổn định của các nghề luật sư, công chứng, đồng thời, bước đầu phát triển nghề đấu giá viên, thừa phát lại, quản tài viên... qua đó, đảm bảo lợi ích hài hoà của cả 3 khu vực: kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và xã hội, bao gồm nhiều đối tượng hưởng chính sách, người nghèo, người dễ bị tổn thương được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước.
Để khắc phục khó khăn do sự thiếu hụt về số lượng và hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp của Ngành và đất nước, công tác đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ pháp luật, tư pháp cũng đã được ngành Tư pháp đặc biệt chú trọng, đặt vào vị trí trung tâm vừa là khâu đột phá, vừa là nhiệm vụ chiến lược trong công tác của Ngành, qua đó, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ pháp luật, tư pháp, bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh cho đất nước.
Kính thưa các vị khách quý,
Thưa các đồng chí và các bạn,
Điểm lại những thành tựu chủ yếu của ngành Tư pháp trong 70 năm qua, chúng ta vui mừng nhận thấy các mặt công tác Tư pháp đã có sự trưởng thành vượt bậc, đang ngày càng thấm sâu vào từng việc làm thiết thực, giúp cho quốc kế, dân sinh; ngày càng gắn kết, phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu pháp lý về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức; được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận.
Năm 1995, ngành Tư pháp được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; năm 2010, chúng ta đón nhận Huân chương Sao Vàng. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống, Ngành ta vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Chúng ta đều ý thức được rằng, những thành tựu mà ngành Tư pháp đạt được, những phần thưởng cao quý mà Ngành chúng ta được trao tặng trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, các cấp uỷ, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân. Và đương nhiên, không thể không nói đến sự quyết tâm, nỗ lực bền bỉ, tinh thần trách nhiệm cao của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp chúng ta.
Nhân dịp này, cho phép tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với mỗi bước đi, mỗi bước trưởng thành của ngành Tư pháp; cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương; cảm ơn sự ủng hộ quý báu của Nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế đối với ngành Tư pháp trong thời gian qua.
Kính thưa các vị khách quý,
Thưa các đồng chí và các bạn,
Nhìn lại chặng đường 70 năm và nhất là so với những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, hoạt động của ngành Tư pháp chúng ta còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém như: Chưa tham mưu được một cách đầy đủ cho Chính phủ và Quốc hội giải pháp đồng bộ khắc phục tình trạng hệ thống pháp luật còn phức tạp, nhiều tầng nấc, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; pháp luật chậm đi vào cuộc sống, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật chưa cao; công tác thi hành án dân sự, hành chính vẫn còn tiềm ẩn yếu tố chưa bền vững; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực hành chính tư pháp chậm được đổi mới, vẫn còn những thủ tục hành chính chưa thuận tiện, thậm chí gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; việc xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý thực hiện còn khó khăn, lúng túng; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác pháp luật, tư pháp còn hạn chế; vẫn còn sự mâu thuẫn lớn giữa chức năng, nhiệm vụ được giao của Ngành với tổ chức, biên chế của các cơ quan tư pháp, pháp chế ở nhiều địa phương.
Từ quá trình xây dựng và trưởng thành của Ngành trong 70 năm qua, nhất là những năm gần đây, chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học quý báu để vững bước đi lên, có thể kể đến:
Thứ nhất, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân; tận tụy với lợi ích của Nhân dân, với công việc mà Đảng, Nhà nước giao cho. Bằng việc làm của mình, mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp đều có thể góp phần giữ vững và tăng cường lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Thứ hai, năng động, sáng tạo trong tư duy và hành động thực tế để theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn của đất nước. Không ngừng học tập, nâng cao nhận thức chính trị - pháp lý, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; gắn công tác chuyên môn với thực tiễn đời sống; kịp thời tham mưu giúp Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền địa phương những quyết sách đúng về hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ tốt hơn nhu cầu pháp lý của người dân.
Thứ ba, gương mẫu về tư cách, phẩm chất đạo đức, lối sống. Người cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp phải luôn giữ tấm lòng trong sáng, cuộc sống lành mạnh, tuân thủ những chuẩn mực đạo đức, gương mẫu chấp hành pháp luật; ghét điều ác, việc ngang trái, yêu lẽ phải, sự công bằng; luôn chia sẻ, cảm thông với những đau khổ, thiệt thòi, oan khuất của người dân, và trên hết là kiên quyết bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Thứ tư, đoàn kết, thân ái, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau để phát huy sức mạnh tập thể trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Từng cơ quan, tổ chức Tư pháp, Thi hành án và toàn Ngành là một khối thống nhất ý chí và hành động. Luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Kính thưa các vị khách quý,
Thưa các đồng chí và các bạn,
Đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi nhanh, mạnh và bền vững hơn, với mục tiêu sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, pháp quyền. Mối quan hệ hữu cơ giữa việc thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với cải cách hành chính, cải cách pháp luật và cải cách tư pháp chính là biểu hiện cụ thể của sự đổi mới đồng bộ giữa kinh tế và chính trị theo đường lối mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.
Tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Chiến lược cải cách tư pháp, Bộ, ngành Tư pháp cần phải chủ động tham mưu, đề xuất với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ bổ sung, phát triển những định hướng, giải pháp tổng thể nhằm tái cấu trúc thể chế quản trị nhà nước theo các nguyên tắc pháp quyền đã được xác lập trong Hiến pháp năm 2013; phân định rõ ràng, đúng đắn vai trò và giải quyết tốt mối quan hệ tương tác giữa Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội với tư cách là ba trụ cột phát triển của xã hội hiện đại; tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế thông qua việc phải làm sao cho pháp luật đơn giản hơn, minh bạch hơn để mọi người trong xã hội đều dễ chấp hành, thực hiện hơn và cũng là để cho cơ quan, công chức nhà nước thi hành nghiêm chỉnh hơn, áp dụng pháp luật công bằng, nhất quán hơn.
Cùng với việc hoàn thiện pháp luật, toàn Ngành sẽ tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác thực thi pháp luật, bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra VBQPPL, kiểm soát TTHC. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, đặc biệt trên những công việc liên quan trực tiếp đến người dân như hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, đăng ký giao dịch bảo đảm, xử lý vi phạm hành chính… Tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản, bền vững công tác thi hành án dân sự, hành chính. Đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công, nâng cao chất lượng hoạt động của các luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, trợ giúp viên pháp lý, đấu giá viên, giám định viên tư pháp, quản tài viên... đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp. Đặc biệt, phải có giải pháp đột phá thực hiện thành công trước năm 2020 việc xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật và xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp như Nghị quyết số 49-NQ/TW đã đề ra.
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tới, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp quyết tâm không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Tư pháp theo tấm gương của Bác Hồ, đề cao trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, thực hành phê và tự phê sâu sắc, thực chất, thực lòng theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn; kế tục xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ đi trước, hoàn thành xuất sắc công tác Tư pháp của đất nước, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của Nhân dân.
Một lần nữa, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, tôi xin trân trọng cảm ơn và kính chúc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sức khỏe, hạnh phúc, tiếp tục hoàn thành xuất sắc trọng trách cao cả của mình, đặc biệt cùng với Bộ Chính trị lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII tới đây của Đảng; xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe đồng chí Nông Đức Mạnh, đồng chí Trần Đức Lương, các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các vị khách mời quốc tế. Chúc toàn thể các vị khách quý, các đồng chí và các bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!