Bộ Nội vụ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ để ban hành Đề án sửa đổi, bổ sung Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” trong tháng 12/2016

Tin tức

Bộ Nội vụ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ để ban hành Đề án sửa đổi, bổ sung Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” trong tháng 12/2016

Ngày 11/11/2016, tại Hải Phòng, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Đề án sửa đổi, bổ sung Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” (sau đây gọi tắt là Đề án sửa đổi, bổ sung Chỉ số cải cách hành chính). Đồng chí Nguyễn Trọng Thừa - Thứ trưởng Bộ Nội vụ và đồng chí Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã đồng chủ trì Hội thảo. Văn phòng Bộ và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã đại diện Bộ Tư pháp tham dự Hội thảo nói trên.

Tại Hội thảo, đồng chí Phạm Minh Hùng – Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đã trình bày dự thảo 4 Đề án sửa đổi, bổ sung Chỉ số cải cách hành chính. Theo đó, về cấu trúc Chỉ số cải cách hành chính dự kiến sửa đổi sẽ đánh giá dựa trên 02 nhóm tiêu chí, gồm: Nhóm I - được đánh giá dựa trên các lĩnh vực (các tiêu chí, tiêu chí thành phần được đánh giá thông qua báo cáo và kết quả thẩm định, gắn với thang điểm cho từng tiêu chí/tiêu chí thành phần); Nhóm II – hầu hết các tiêu chí đánh giá tác động của cải cách hành chính được đo lường thông qua phương pháp điều tra xã hội học, số ít còn lại đánh giá thông qua báo cáo (cấp tỉnh). Bên cạnh việc dự kiến sửa đổi, bổ sung, loại bỏ nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần cụ thể thì với đối tượng điều tra xã hội học, tại Chỉ số cấp bộ, dự thảo Đề án cũng dự kiến loại bỏ đối tượng khảo sát là Đại biểu Quốc hội, chỉ tập trung khảo sát các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các chính sách thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực do bộ quản lý, gồm có: Lãnh đạo cấp vụ; công chức, viên chức thuộc bộ; lãnh đạo cấp sở, lãnh đạo phòng chuyên môn thuộc sở; doanh nghiệp, hiệp hội (nếu có). Về phương thức điều tra xã hội học, Bộ Nội vụ đang dự kiến 03 phương án: phương án 1 – Tiếp tục giao cho 01 đơn vị cụ thể của Bộ Nội vụ làm đầu mối chủ trì triển khai; phương án 2 – giao cho một đơn vị thuộc Bộ Nội vụ làm đầu mối, phối hợp với dịch vụ bưu chính lập danh sách và gửi phiếu hỏi tới các đối tượng điều tra xã hội học; phương án 3 – tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học trên môi trường mạng internet.
Tại Hội thảo, đại diện các Bộ: Thông tin & Truyền thông, Y Tế, Tư pháp, Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và nhiều địa phương như: Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương… đã phát biểu thảo luận sôi nổi về những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung của Đề án như: vấn đề sáng kiến cải cách hành chính, về phương thức điều tra xã hội học, về câu hỏi điều tra xã hội học, về việc bổ sung tiêu chí thành phần về thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đã chỉ đạo các nội dung sửa đổi, bổ sung của Đề án phải bám sát Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 ban hành kèm theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ và Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng giao Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ tiếp thu các ý kiến góp ý của chuyên gia tại Hội thảo. Sau các hoạt động hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến, Thứ trưởng chỉ đạo cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo, tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Đề án sửa đổi, bổ sung Chỉ số cải cách hành chính lần cuối trước khi trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký ban hành trước ngày 15/12/2016. Ngay sau khi Đề án sửa đổi, bổ sung được ban hành, Thứ trưởng đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện để đến hết quý I năm 2017 sẽ thực hiện việc công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2016./.