Lớp tập huấn về thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) tại Cần Thơ

14/05/2024
Lớp tập huấn về thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR)  tại Cần Thơ
Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu tài trợ (Dự án EU JULE), trong các ngày 13 - 14/5/2024, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Lớp tập huấn cho báo cáo viên pháp luật và công chức tư pháp về Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) tại thành phố Cần Thơ (tiếp nối thành công của Lớp tập huấn tại tỉnh Phú Yên). Hội nghị do ông Nguyễn Hữu Huyên - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp chủ trì và có sự tham gia của bà Sabina Stein, Trợ lý Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam và ông Lê Việt Sĩ, Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Cần Thơ. Tham gia Hội nghị có hơn 80 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành của các tỉnh: Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre.
Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, ông Nguyễn Hữu Huyên - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp nhấn mạnh Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến bảo vệ quyền con người. Từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày trước toàn thế giới và lần lượt 04 bản Hiến pháp, vô số luật, pháp lệnh, nghị định…đã thể hiện rõ quyền con người luôn được tôn trọng và bảo vệ trong các lĩnh vực cụ thể, bảo đảm nền độc lập tự do, cơm no áo ấm cho mọi người dân Việt Nam. Việt Nam luôn chú trọng triển khai Công ước ICCPR gắn với những cải cách, đổi mới sâu rộng và toàn diện, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (Quyết định số 1252/QĐ-TTg). Với nhiệm vụ được giao giúp Chính phủ làm cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Bộ Tư pháp luôn quan tâm tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tập huấn về Công ước này nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức các cơ quan pháp luật và tư pháp từ Trung ương xuống địa phương về việc bảo vệ quyền và lợi ích của  người dân trong lĩnh vực dân sự, chính trị; nâng cao khả năng từng bước vận dụng kiến thức về Công ước ICCPR vào nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan đơn vị.
 

Tại tập huấn, các học viên được nghe các báo cáo viên là giảng viên có bề dày kinh nghiệm của Trường Đại học Luật Hà Nội giới thiệu các nội dung cơ bản về quyền con người, Công ước ICCPR, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ Công ước ICCPR cũng như truyền đạt một số nội dung cụ thể như vấn đề hạn chế quyền và tạm đình chỉ quyền theo Công ước ICCPR; quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử; quyền được bảo vệ trước sự can thiệp bất hợp pháp; quyền của nhóm dễ bị tổn thương, cơ chế xây dựng Báo cáo quốc gia và nghĩa vụ thực thi Công ước ICCPR của Việt Nam...Trong quá trình tập huấn, các báo cáo viên cũng chú trọng vào việc chia sẻ các kỹ năng cho tập huấn viên, dành thời gian cho các nhóm thực hành (thuyết trình; thảo luận nhóm; thực hành; bài tập tình huống), trao đổi thông tin giữa đội ngũ các cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quyền dân sự, chính trị.
 

Trong phần khảo sát lấy ý kiến, đánh giá, phản hồi về Lớp tập huấn, các học viên đã đánh giá cao đối với việc tổ chức lớp tập huấn (chương trình, nội dung, báo cáo viên) và mong muốn sẽ được thường xuyên tham dự các lớp tập huấn tương tự. Đây là cơ hội để các cán bộ, công chức, đặc biệt là các đội ngũ báo cáo viên cơ sở được trang bị thêm kiến thức về Công ước ICCPR, qua đó có thể tiến hành tập huấn lại cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình một cách hiệu quả thiết thực.
 
Thu Hiền - Vụ Hợp tác quốc tế